Cơ hội giao thương - Từ ngày 08-11/10, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan có một số văn bản hướng dẫn nghiệp vụ quan trọng liên quan đến thủ tục hải quan như điều chỉnh định mức sau khi xuất khẩu sản phẩm, làm hàng gia công tại khu vực biên giới, thuế GTGT đối với DNCX bán hàng vào nội địa...mà doanh nghiệp rất đáng quan tâm.


Từ ngày 08-11/10, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan có một số văn bản hướng dẫn nghiệp vụ quan trọng liên quan đến thủ tục hải quan như điều chỉnh định mức sau khi xuất khẩu sản phẩm, làm hàng gia công tại khu vực biên giới, thuế GTGT đối với DNCX bán hàng vào nội địa...mà doanh nghiệp rất đáng quan tâm.
Phương pháp xác định trị giá tính thuế
Ngày 11/10/2013, Tổng cục Hải quan có Công văn số 5961/TCHQ-TXNK trả lời một doanh nghiệp ở Hà Nội về việc xác định trị giá tính thuế đối với một số mặt hàng rượu xuất xứ của Pháp dự kiến nhập khẩu trong thời gian tới. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 12 Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính thì trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, và được xác định bằng cách áp dụng tuần tự sáu phương pháp xác định trị giá tính thuế hướng dẫn tại Thông tư này và dừng ngay ở phương pháp xác định được trị giá tính thuế.
NK hàng hóa loại hình GC, SXXK qua cửa khẩu phụ
Ngày 09/10/2013, Tổng cục Hải quan có công văn số 5926/TCHQ-GSQL trả lời một doanh nghiệp ở Lào Cai về thủ tục hải quan về việc xuất khẩu hàng hóa thuộc loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu qua cửa khẩu phụ nằm ngoài Khu kinh tế cửa khẩu, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 13/2009/TT-BTC ngày 03/6/2009 của Bộ Công Thương thì “Hàng hóa xuất khẩu hợp pháp theo quy định hiện hành được phép xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài các Khu kinh tế cửa khẩu”.
2. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNN&PTNT-BYT-NHNN ngày 31/01/2008 của liên Bộ hướng dẫn thực hiện Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 thì trường hợp hàng hóa theo hợp đồng thương mại và phi thương mại của nước thứ ba hoặc của nước có chung biên giới muốn xuất, nhập qua cửa khẩu phụ hoặc điểm thông quan nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu thì chủ hàng hoặc người đại diện phải có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh biên giới ra quyết định cho phép nếu việc thông quan đó hội đủ các tiêu chí sau: Phải có lực lượng chức năng chuyên ngành Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch; quyết định này chỉ áp dụng cho từng lô hàng, từng hợp đồng và có thời hạn; quyết định được gửi cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan.
Căn cứ quy định trên, hàng gia công, sản xuất xuất khẩu được xuất khẩu qua cửa khẩu phụ nằm ngoài Khu kinh tế cửa khẩu. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu thuộc diện phải xin phép cơ quan có thẩm quyền thì hướng dẫn doanh nghiệp xin phép các cơ quan này.
Điều chỉnh định mức sau khi XK sản phẩm
Ngày 09/10/2013, Cục Giám sát quản lý về Hải quan có Công văn số 992/GSQL-GQ2 trả lời một doanh nghiệp ở Bắc Ninh về vướng mắc trên. Theo đó, căn cứ Công văn số 4716/VPCP-KTTH ngày 11/6/2013 của Văn phòng Chính phủ thì Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép điều chỉnh định mức sau khi xuất khẩu sản phẩm đối với hàng gia công, sản xuất khẩu trong một số trường hợp và với các điều kiện nêu tại Công văn số 4579/BTC-TCHQ ngày 12/4/2013 của Bộ Tài chính.
Thủ tục điều chỉnh định mức được hướng dẫn cụ thể tại Điều 37 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ ngày 01/11/2013). Theo đó, thời điểm điều chỉnh định mức sau khi xuất khẩu sản phẩm là trước khi doanh nghiệp nộp hồ sơ thanh khoản tờ khai nhập sản xuất xuất khẩu.
Quy định mới tại Thông tư 128/2013/TT-BTC cho phép DN được điều chỉnh định mức sau khi XK sản phẩm
Căn cứ hướng dẫn trên và đối chiếu với trường hợp của Công ty thì khi tiến hành thanh khoản, Công ty mới phát hiện nguyên vật liệu bị thiếu dẫn đến kết quả thanh khoản âm chưa phù hợp thời điểm được xem xét điều chỉnh định mức; do vậy, trường hợp của Công ty không đủ cơ sở để xem xét điều chỉnh định mức theo quy định.
Thuế GTGT bán sản phẩm của DNCX vào nội địa
Ngày 08/10/2013, Bộ Tài chính có Công văn số 13484/BTC-TCHQ trả lời một doanh nghiệp chế xuất (Doanh nghiệp ưu tiên) ở Bắc Ninh về chính sách thuế GTGT đối với việc xuất khẩu sản phẩm vào thị trường nội địa.
Căn cứ quy định tại Điều 5, Luật Thuế GTGT và Thông tư số 129/2008/TT-BTC thì Chi nhánh Công ty phải kê khai và nộp thuế GTGT trên lượng sản phẩm chuyển tiêu thụ nội địa. Trị giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu xác định theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 7 Luật Thuế GTGT: Giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập tại cửa khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng (+) với thuế TTĐB (nếu có), cộng (+) với thuế BVMT (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu.
Căn cứ quy định tại Điều 12, Thông tư số 205/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì: Trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên.
Căn cứ Điều 23 Thông tư số 86/2013/TT-BTC ngày 27/6/2013 quy định về việc áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp đủ điều kiện, Bộ Tài chính đề nghị Công ty và Chi nhánh công ty tự rà soát việc khai báo trị giá tính thuế đối với hàng hóa chuyển tiêu thụ nội địa theo đúng qui định tại điểm b, khoản 1, Điều 7 Luật Thuế GTGT. Trong đó, giá nhập tại cửa khẩu là giá thực tế mà Chi nhánh Công ty thanh toán cho Công ty theo đúng quy định tại Nghị định số 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ và Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính.
Giá tính thuế, thời hạn nộp thuế khi chưa có...giá chính thức
Ngày 08/10/2013, Tổng cục Hải quan có Công văn số 5902/TCHQ-TXNK trả lời một doanh nghiệp ở Hà Nội về trị giá tính thuế đối với hàng hóa xuất khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan và thời hạn nộp thuế.
Về xác định giá tính thuế: Căn cứ Điều 11 Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính quy định về trị giá tính thuế đối với hàng hóa xuấ tkhẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, thì: Trường hợp hàng hóa xuất khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai do hợp đồng mua bán thỏa thuận thời điểm chốt giá sau khi hàng hóa đã xuất khẩu, người khai hải quan khai báo giá tạm tính tại thời điểm đăng ký tờ khai theo mẫu số 5 ban hành kèm theo Thông tư 205/2010/TT-BTC. Thời điểm chốt giá tối đa là 90 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu. Trường hợp thời điểm chốt giá vượt quá 90 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai thì Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố căn cứ hồ sơ, chứng từ, thực tế lô hàng xuất khẩu để kiểm tra, xem xét, quyết định việc chấp nhận thời điểm chốt giá ghi trên hợp đồng. Thời điểm chốt giá được chấp nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện: (i) Hợp đồng có thỏa thuận về thời điểm chốt giá. (ii) Thời điểm chốt giá thực tế phù hợp với thời điểm chốt giá theo thỏa thuận ghi trên hợp đồng. (iii) Giá chính thức phù hợp với giá thực tế thanh toán theo chứng từ thanh toán của đối tác nước ngoài cho Công ty.
Về thời hạn nộp thuế: Căn cứ khoản 8 Điều 20 (thay thế nội dung về thời hạn nộp thuế quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 205/2010/TT-BTC), khoản 2 Điều 21 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, thì:
Trường hợp hàng hóa xuất khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai, Công ty có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu chưa đủ 365 ngày tính đến đăng ký tờ khai xuất khẩu và không đáp ứng các điều kiện khác được nêu tại khoản 2 Điều 21 Thông tư 128/2013/TT-BTC thì để được thông quan hoặc giải phóng hàng, Công ty phải tạm nộp thuế theo giá khai báo trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng; Trường hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 21 thì được áp dụng bảo lãnh, thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Trong thời hạn bảo lãnh người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp 0,05%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp. Nếu số thuế tạm nộp nhỏ hơn số thuế phải nộp khi có giá chính thức, Công ty phải nộp số tiền thuế chênh lệch và không phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chênh lệch này. Nếu số thuế tạm nộp lớn hơn số thuế phải nộp thì việc xử lý tiền thuế nộp thừa thực hiện theo quy định tại Điều 26, Điều 130 Thông tư số 128/2013/TT-BTC.

CHGT

Theo cohoigiaothuong.com.vn