Cơ hội giao thương - Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng, đó là bất cập trong quy định xử lý đối tượng, đơn cử như định giá hàng hóa vi phạm: kẻ sản xuất xử nhẹ hơn người kinh doanh.




Chi cục QLTT Hà Nội trưng bày "Hàng thật- hàng giả" khuyến cáo người tiêu dùng.

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng, đó là bất cập trong quy định xử lý đối tượng, đơn cử như định giá hàng hóa vi phạm: kẻ sản xuất xử nhẹ hơn người kinh doanh.
Theo Điều 28, Nghị định 105/2006/NĐ-CP của Chính phủ thì “giá làm căn cứ xử phạt là giá do người niêm yết hoặc thực bán. Nếu trường hợp phát hiện hàng giả tại nơi sản xuất thì giá được xác định là giá thành sản phẩm”. Quy định này, theo ông Vương Trí Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, là bất hợp lý. Ông Dũng cũng đưa dẫn chứng cụ thể: giá nhập một đôi giày giả mạo nhãn hiệu Nike là 100.000 đồng, nhưng khi bị bắt giữ 200 đôi giày, họ chỉ khai bán 50.000/đôi. Giá trị lô hàng lúc này được xác định là 10 triệu đồng theo hướng dẫn tại Nghị định 105. Về cơ bản, giá thành sản phẩm bao giờ cũng thấp hơn giá bán sản phẩm trên thị trường. Do vậy, đối với trường hợp này, nếu số giày trên bị bắt quả tang vi phạm tại một cơ sở sản xuất, chi phí sản xuất cho một đôi giày không đến 40.000 đồng, cũng có nghĩa giá trị lô hàng chỉ là 8 triệu đồng.
Như vậy, “người sản xuất hàng giả bao giờ cũng chịu trách nhiệm nhẹ hơn người buôn bán, kinh doanh hàng giả”, ông Dũng nói. Đây là điều quá bất hợp lý, vì những đối tượng này phải chịu sự chế tài cao hơn so do tính chất nguy hiểm của hành vi. Nếu như trước đây, Điều 156 Bộ luật hình sự quy định “người nào sản xuất, kinh doanh hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng… thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm”. Như vậy, trong trường hợp cụ thể trên, phải bắt hơn 1.250 đôi giày thì mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự được. Đó là chưa tính đến việc hàng hóa giả mạo được xuất nhập lậu, hàng hóa đang trên đường vận chuyển không có hóa đơn chứng từ thì không thể xác định được giá.
Hiện nay, hàng giả lưu thông công khai tại Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam vừa là nạn nhân cũng là người tiếp tay tiêu thụ hàng giả do giá các loại hàng này thấp cũng như xu hướng sính ngoại của người tiêu dùng. Để góp phần làm giảm và đẩy lùi tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông Trương Quang Hoài Nam- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương- cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần nâng cao nhận thức và văn hóa người tiêu dùng, không dùng hàng nhái, hàng giả mạo sở hữu công nghiệp. Ngoài ra, cần tạo cơ chế cho doanh nghiệp đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời thông tin về các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ cho các lực lượng chức năng xử lý; đồng thời tạo ra thông lệ xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua tòa án phù hợp với thông lệ quốc tế…
Trong thực tế, việc chứng minh lợi nhuận của người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là khó khả thi, vì những đối tượng này thường không sử dụng giấy tờ, sổ sách chứng minh lợi nhuận (trừ những trường hợp do công an kinh tế hoặc cơ quan điều tra tiến hành theo thủ tục tố tụng hình sự). Ngoài ra, việc xác định chênh lệch giữa giá thực mua và thực bán là rất khó.




Thúy Ngọc

Theo cohoigiaothuong.com.vn