Cơ hội giao thương - Nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh đã bước đầu phát huy tác dụng; cộng hưởng với xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế, làm tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.


Nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh đã bước đầu phát huy tác dụng; cộng hưởng với xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế, làm tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.
Đánh giá tác động các chính sách của Chính phủ đối với doanh nghiệp (DN) năm 2013, bà Mai Thị Thu – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư đã phát huy tác dụng lôi kéo và thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư các dự án lớn vào Việt Nam, đặc biệt là nhóm các nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhóm giải pháp này cũng được cộng hưởng bởi xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước xung quanh và xu hướng chuyển cơ sở sản xuất xuất khẩu sang Việt Nam, nhằm tranh thủ hạ tầng, lao động và chính sách ưu đãi.
Tuy vậy, bà Mai cũng cho rằng, dù số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng đáng kể nhưng số lượng DN nhỏ và vừa nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vẫn hạn chế. Điều này cho thấy các chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ và hạ tầng phục vụ công nghiệp nói chung vẫn còn kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia...
Thống kê và phân tích về DN của Bộ KH&ĐT cho thấy, các DN đã nhận được lợi ích từ các giải pháp giảm, giãn, miễn thuế, phí, lệ phí... mà Chính phủ áp dụng trong năm 2013. Các giải pháp về giảm lãi suất ngân hàng đã tác động tích cực đến khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, minh chứng là tỷ lệ DN quay lại hoạt động tăng và DN giải thể, phá sản có dấu hiệu giảm.
Các giải pháp về xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại diễn ra chậm hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Một ví dụ điển hình là Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) được Chính phủ đồng ý thành lập tại Nghị Quyết 01/NQ-CP ngày 07/01/2013, nhưng đến tháng 5, Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC mới được ban hành; và đến tháng 10/2013, những khoản nợ xấu đầu tiên của ngân hàng thương mại mới được VAMC mua. Sự chậm trễ này làm cho tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và giải quyết nợ xấu không giúp được nhiều cho các DN trong năm 2013...
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam 2014 cộng hưởng hiệu ứng chính sách, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, trong năm 2013, các giải pháp chưa tạo được chuyển biến rõ rệt do một số chính sách chưa quyết liệt hoặc được ban hành chậm so với yêu cầu thị trường và chưa tạo ra được đột biến nhằm phục hồi niềm tin cho cộng đồng DN. Bên cạnh đó, một số vấn đề như nợ xấu, mở rộng thị trường là những vấn đề dài hạn, không thể giải quyết qua chính sách ngắn hạn.
Tuy nhiên, năm 2014 là năm ‘tăng tốc’ phát triển để đạt các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015. Do vậy, dự báo, Chính phủ sẽ có những giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng và cải cách nền kinh tế, mà trọng tâm là phát triển DN, thay vì sử dụng công cụ đầu tư công làm động lực chủ yếu cho tăng trưởng như trước đây. Bên cạnh đó, “cú hích” gia tăng thương mại và đầu tư nước ngoài, cộng thêm đẩy mạnh cải cách DNNN sẽ phá vỡ vòng bó buộc và tạo đột biến cho DN trong nước tăng sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hoàng Hải

Theo cohoigiaothuong.com.vn

View more random threads: