Cơ hội giao thương - Nhiều tranh luận về đề xuất DN không cần đăng ký ngành nghề kinh doanh (trừ ngành nghề có điều kiện) khi đăng ký thành lập.




Theo quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp 2005, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh trong giới hạn những ngành nghề đã đăng ký khi thành lập doanh nghiệp.

Nhiều tranh luận về đề xuất DN không cần đăng ký ngành nghề kinh doanh (trừ ngành nghề có điều kiện) khi đăng ký thành lập.
Ngày 26/5, Quốc hội nghe Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này là doanh nghiệp không cần phải đăng ký ngành nghề kinh doanh (trừ ngành nghề có điều kiện) tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh về đề này.
Theo quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp 2005, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh trong giới hạn những ngành nghề đã đăng ký khi thành lập doanh nghiệp. Chính điều này cũng gây bất lợi cho doanh nghiệp nếu muốn kinh doanh ngành nghề mới, sẽ phải chờ xin điều chỉnh giấy đăng ký kinh doanh, làm thủ tục xong thì có thể cơ hội đã qua.
Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thăng Long cho biết, công ty cũng đã có lần lỡ cơ hội ký hợp đồng với đối tác, vì trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không có lĩnh vực mà 2 bên đang quan tâm: “Nếu doanh nghiệp không đăng ký ngay ngành nghề, thì sau này phát sinh ngành nghề nào thì lại phải đăng ký lại. Hiện nay để tránh tình trạng phải đăng ký nhiều ngành nghề, có doanh nghiệp phải đăng ký tới 2-3 trang.
Nếu Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bỏ quy định ghi đăng ký ngành nghề kinh doanh thì về mặt thủ tục là đơn giản, thuận lợi hơn. Doanh nghiệp khi có hoạt động lĩnh vực mới thì vẫn được. Tôi nghĩ hoạt động doanh nghiệp đã có các luật liên quan, rồi chính sách thuế rõ ràng nên không đáng ngại doanh nghiệp sẽ vi phạm pháp luật.”
Nhiều doanh nghiệp đồng tình với đề xuất trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này, đó là bỏ quy định đăng ký ngành nghề kinh doanh (trừ ngành nghề có điều kiện) tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đây là một thay đổi lớn vừa đảm bảo đúng tinh thần của Hiến pháp, vừa giảm bớt thủ tục hành chính, tạo tính linh hoạt cho doanh nghiệp: “Điểm mới này có thể thực hiện triệt để hơn quy định trong Hiến pháp là người dân và doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Doanh nghiệp không cần phải kê khai những lĩnh vực họ được phép kinh doanh trong giấy phép, để khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, lĩnh vực kinh doanh tận dụng cơ hội thị trường, thì doanh nghiệp không phải tiếp tục điều chỉnh giấy phép, tiếp tục phải xin phép và đăng ký. Việc này phát sinh chi phí về thời gian và chi phí khác của doanh nghiệp.”
Mục đích của đề xuất này từ Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là sự giảm bớt thủ tục. Ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phân tích, nếu quy định này được Quốc hội chấp thuận thì còn giảm được rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Bởi thời gian qua, không ít doanh nghiệp bị xử phạt hành chính, rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vì kinh doanh ngành nghề, sản phẩm không có trong đăng ký.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại lo ngại việc doanh nghiệp không ghi rõ ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có thể làm khó cho công tác quản lý. Không loại trừ trường hợp doanh nghiệp thành lập chỉ để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, nhằm trục lợi…
Còn theo Luật sư Đinh Nhật Quang, Văn phòng Luật Sư Leadco, các cơ quan quản lý nhà nước phải quy định cụ thể, công khai, chi tiết ngành nghề, lĩnh vực hoạt động bắt buộc phải có điều kiện hoặc bị cấm kinh doanh. Điều này giúp cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư tránh được rủi ro đáng tiếc, như trường hợp vừa qua của 1 doanh nghiệp ở Bắc Ninh, mặc dù đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy đăng ký kinh doanh nuôi gián đất, nhưng sau đó lại bị ngừng kinh doanh và buộc phải tiêu hủy, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Luật sư Đinh Nhật Quang cho rằng: “Chúng ta nên tập hợp lại thành một văn bản những ngành nghề kinh doanh để nhà đầu tư biết. Hệ thống pháp luật hiện tại thì các điều kiện đấy được quy định rải rác ở các văn bản khác nhau. Nhà đầu tư thực sự khó khăn khi muốn biết ngành nghề kinh doanh của mình có phải là có điều kiện hay không. Tôi cho rằng nếu sửa đổi luật doanh nghiệp mà không sửa đổi các văn bản quy định cụ thể thì doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.”
Sửa đổi Luật Doanh nghiệp là cần thiết nhằm tạo được bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, khắc phục được những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần có những quy định chặt chẽ trong việc kiểm tra, kiểm soát, để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để trục lợi.


(Theo VOV)

Theo cohoigiaothuong.com.vn