Cơ hội giao thương - Từ 1/6, bán vàng nữ trang thiếu tuổi, không công bố rõ trọng lượng,... sẽ bị phạt nặng theo Thông tư 22 Bộ Khoa học và công nghệ.






Từ 1/6, bán vàng nữ trang thiếu tuổi, không công bố rõ trọng lượng,... sẽ bị phạt nặng theo Thông tư 22 Bộ Khoa học và công nghệ.
Nhiều công ty vàng lớn và chuyên gia kỳ vọng quy định mới sẽ chấn chỉnh tình trạng bát nháo hiện nay của thị trường nữ trang, đồng thời góp phần bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Tuy nhiên, các tiệm vàng nhỏ lại tỏ ra e ngại và tìm cách đối phó.
Bán vàng nữ trang đúng tuổi
“Thông tư 22 sẽ lập lại trật tự kỷ cương thị trường vàng nữ trang. Các tiệm vàng cũng không thể lập lờ tuổi vàng để tùy cơ “hét” giá với người tiêu dùng như trước” - giám đốc một doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng nói. Theo vị này, nhiều năm qua thị trường không có chuẩn chung nào cho vàng nữ trang. Những DN làm đúng tuổi vàng, có phí gia công cao rất khó cạnh tranh với các tiệm vàng nhỏ lẻ làm vàng thấp tuổi để hạ phí gia công. Đặc biệt, tình trạng ăn gian tuổi vàng khiến người tiêu dùng bị móc túi nhưng không có cơ sở để đòi quyền lợi.
"Nếu phát hiện vi phạm chất lượng vàng nữ trang, Sở Khoa học và công nghệ sẽ lập biên bản xử lý và gửi kết quả về cho Ngân hàng Nhà nước TP.HCM để nơi này rút giấy phép"

Chẳng hạn, thời gian qua vàng tây lưu hành trên thị trường chủ yếu là vàng 18K, tương đương 7,5 tuổi nhưng bị ăn gian còn 7 tuổi. Tương tự vàng 14K, tương đương 5,85 tuổi, cũng bị giảm còn 5,5 tuổi. Chưa hết, nhiều cửa hàng vàng còn đưa ra thị trường thêm loại hàng chợ có ký hiệu ST (6,8 tuổi) và vàng SL (6,5 tuổi), nhưng thực chất đã bị các đơn vị sản xuất bớt vài “lai” trong quá trình chế tác, do đó vàng ST chỉ còn 6,1 tuổi thay vì 6,8 tuổi.
Theo số liệu thống kê, hiện có hơn 10.000 đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh nữ trang, bao gồm cả các chành, vựa, tiệm vàng... trong đó nhiều đơn vị làm gia công nhỏ tại nhà, không đăng ký kinh doanh. Hầu hết tiệm vàng nhỏ lẻ đều lấy hàng từ các chành hoặc tự gia công chứ rất ít bán vàng của các công ty có tên tuổi. Do vậy tuổi vàng là do các chủ tiệm tự quyết định và không ai có thể kiểm soát.
Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho rằng suốt thời gian dài vừa qua, chất lượng vàng nữ trang bị thả nổi nên người tiêu dùng chỉ còn cách mua đâu bán đó nhằm tránh bị ép giá. “Việc chấn chỉnh để thị trường vàng nữ trang minh bạch hơn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là chuyện cần thiết” - ông Long nói.
Đau đầu với hàng tồn
Ông Nguyễn Văn Dưng, chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM, thừa nhận quy ước chung tồn tại nhiều năm nay là đơn vị sản xuất được phép “ăn” 2-3 lai là phần chi phí, hao hụt trong quá trình sản xuất. Trong khi quy định mới sai số chỉ được phép từ 0,1-0,3%, tùy theo tuổi vàng. Như vậy, khi thông tư 22 có hiệu lực, các sản phẩm vàng được sản xuất trước đây sẽ không còn đủ tiêu chuẩn bán ra trên thị trường. “Muốn tiếp tục bán chỉ còn cách đem nấu lại hoặc đóng lại ký hiệu tuổi vàng. Nhưng việc điều chỉnh này không đơn giản” - ông Dưng nói.
Theo ông Dưng, Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM đã có văn bản kiến nghị dời thời gian thi hành thông tư 22 để các tiệm vàng tiêu thụ hết các sản phẩm còn tồn nhưng không được chấp nhận. “Hiện nay thị trường vàng nữ trang rất đìu hiu vì các tiệm vàng không dám đặt hàng mới để chờ hướng dẫn, các đơn vị sản xuất cũng từ chối không nhận điều chỉnh hàng hóa cũ vì số lượng hàng đã sản xuất mấy chục năm qua rất lớn” - ông Dưng cho biết.
Chủ một tiệm vàng tại quận 1 cũng lo lắng vì còn tồn hàng ngàn sản phẩm vàng nữ trang làm theo chuẩn cũ trước đây không biết xử lý ra sao. Nếu đem nấu lại sẽ chịu thiệt ít nhất vài trăm ngàn mỗi sản phẩm do hao hụt, chưa kể tiền công. Chủ một tiệm vàng tại quận 8 cho biết đang chờ xem thị trường phản ứng thế nào, có thể nghỉ bán một vài ngày để nghe ngóng, còn sau đó “người ta làm sao mình sẽ làm vậy”.
Theo ông Nguyễn Thành Long, người bán sỉ (chành) và người bán lẻ (tiệm vàng) phải ngồi lại bàn bạc nhằm tìm ra giải pháp dung hòa. Các cơ quan quản lý cũng cần nghĩ đến quyền lợi của người kinh doanh nhỏ lẻ, giai đoạn đầu không nên xử phạt nặng mà cho các tiệm vàng thời hạn để chấn chỉnh.

* Ông Nguyễn Thành Long (Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN):
Ai là trọng tài?
Nhiều điểm trong thông tư 22 vẫn chưa được làm rõ. Chẳng hạn theo thông tư, sẽ có cơ quan làm trọng tài để giám sát việc thực hiện nhưng đến nay cơ quan nào làm trọng tài vẫn chưa biết. Thông tư cũng yêu cầu các đơn vị phải thực hiện các biện pháp về đo lường, cân phải được kiểm định, có chứng chỉ kiểm định còn thời hạn sử dụng... Tuy nhiên đến nay, các tiệm vàng chưa biết cơ quan nào sẽ đứng ra kiểm tra, phương thức kiểm tra tuổi vàng thế nào, dùng cân nào cho chuẩn và khi cần đối chiếu, kiểm định thì liên hệ ở đâu... Cần hướng dẫn cụ thể hơn để các tiệm vàng khỏi lúng túng khi áp dụng.
* Ông Trần Văn Vinh (tổng cục phó Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ KH&CN): Không triệt tiêu hoạt động chế tác vàng
Thông tư 22 đã được ban hành cách nay tám tháng, nhằm hướng dẫn cụ thể hơn những quy định nghị định 24 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý vàng đã có hiệu lực từ năm 2012 và Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa (2007). Do đó, việc ghi nhãn hàng hóa với sản phẩm vàng đã có lộ trình thực hiện đủ thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị thực hiện, chứ hoàn toàn không gây “sốc”.
Tôi cũng khẳng định không có chuyện doanh nghiệp phải nấu lại vàng nữ trang, mà chỉ cần xác định tuổi vàng và bán theo đúng giá của tuổi vàng thật. Cái “thiệt” của doanh nghiệp ở đây có lẽ là không được vô tư công bố tuổi vàng chênh lệch nhiều so với thực chất, nghĩa là giảm “ăn lãi” với người tiêu dùng như bao lâu nay vẫn làm mà thôi. Trong chế tác thủ công, chất lượng vàng có thể bị thay đổi, ví dụ sử dụng hàn thủ công có thể làm hao hụt, tuổi vàng không còn được như nguyên bản. Chế tác có thể làm thay đổi một chút chất lượng vàng, nhưng đó là điều mọi doanh nghiệp kinh doanh vàng đều biết và đều lường trước, tính toán được. Người có vàng đưa cho người chế tác - nghĩa là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng - phải đứng ra chi trả cho những hao hụt đó chứ không thể đổ cho người tiêu dùng. Tóm lại, thông tư này không triệt tiêu hoạt động của thợ chế tác vàng tại các làng nghề truyền thống, mà chỉ yêu cầu người bán công bố tuổi vàng thế nào thì bán đúng loại vàng đó.



(Theo VOV Online)

Theo cohoigiaothuong.com.vn