Cơ hội giao thương - Theo quy định của pháp luật Việt Nam, số giờ làm thêm tối đa của người lao động bị giới hạn là 200 giờ một năm. Trong trường hợp vi phạm quy định này, doanh nghiệp (DN) sẽ phải tạm ngừng kinh doanh từ 1 tới 3 tháng và bị phạt tiền từ 25 đến 30 triệu đồng.



Theo quy định của pháp luật Việt Nam, số giờ làm thêm tối đa của người lao động bị giới hạn là 200 giờ một năm. Trong trường hợp vi phạm quy định này, doanh nghiệp (DN) sẽ phải tạm ngừng kinh doanh từ 1 tới 3 tháng và bị phạt tiền từ 25 đến 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014, ông Kim Jung In- Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham)- cho rằng, hình phạt như vậy là quá khắt khe. “Chúng tôi mong rằng, Chính phủ Việt Nam giảm nhẹ hình phạt theo quy định hiện nay và thay bằng cảnh cáo và cho thời gian để các DN có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh theo quy định”, ông Kim Jung In nói.
Nguyên nhân cần điều chỉnh giờ làm thêm, theo Chủ tịch Korcham, hầu hết các DN có vốn đầu tư nước ngoài đều gặp phải những vấn đề trong việc đáp ứng nhu cầu của khách mua ở nước ngoài bởi vì rất khó để đáp ứng các đơn đặt hàng với những quy định hạn chế giờ làm thêm của người lao động như hiện nay. Thêm vào đó, để hoàn thành những đơn hàng gấp, đặc biệt với các ngành đặc thù như dệt may, da giày, các nhà máy cần phải vận hành 3 ca, đồng nghĩa với việc công ty đó phải thuê thêm lao động, làm tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Thậm chí, việc vận hành 3 ca như vậy sẽ gây ra những vấn đề về quản lý cho các công ty, đặc biệt là trong những khoảng thời gian ngoài đợt sản xuất cao điểm.
Đối với người lao động, sẽ không có cơ hội để nhận tiền làm thêm vì những quy định này. Việc hạn chế giờ làm thêm như vậy cấm người lao động tự nguyện làm thêm để hưởng tiền làm thêm giờ. Bên cạnh đó, việc hạn chế này sẽ không cho DN có vốn đầu tư nước ngoài được phép để người lao làm thêm ngay cả khi người lao động muốn như vậy. Nói cách khác, Luật Lao động cấm những điều mà cả DN có vốn đầu tư nước ngoài và người lao động cùng mong muốn. Ông Kim Jung In bày tỏ lo ngại rằng, loại mâu thuẫn này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường pháp lý thân thiện về đầu tư cho DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Hiện nay, số giờ làm thêm tối đa của các quốc gia khác là hơn 300 giờ, hay như ở Hoa Kỳ không hề đưa ra bất cứ giới hạn nào về việc làm thêm giờ của người lao động. Từ dẫn chứng này, ông Kim Jung In kiến nghị: Quy định pháp luật hiện tại về việc giới hạn số giờ làm thêm cần được sửa đổi, từ 200 giờ/năm lên ít nhất hơn 300 giờ/năm; hoặc bỏ hẳn quy định đó, miễn là có sự đồng thuận giữa công ty và người lao động về việc làm thêm giờ.
Bộ luật Lao động Việt Nam được sửa đổi ngày 18/06/2012 và có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013 quy định: Nghiêm cấm giờ làm thêm tối đa của người lao động quá 4 giờ trong một ngày, 30 giờ trong một tháng và 200 giờ trong một năm.

Hoàng Hải

Theo cohoigiaothuong.com.vn