Cơ hội giao thương - Lâu nay, chúng ta đã quá quen với cụm từ DN “chết lâm sàng” mà chưa “chôn” được. Bắt đầu từ 01/01/2015, việc “khai tử” DN kỳ vọng sẽ được khai thông khi có một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ.



Lâu nay, chúng ta đã quá quen với cụm từ DN “chết lâm sàng” mà chưa “chôn” được. Bắt đầu từ 01/01/2015, việc “khai tử” DN kỳ vọng sẽ được khai thông khi có một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ.
Luật Phá sản được Quốc hội Khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7 (ngày 19/6/2014) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Theo ông Tưởng Duy Lượng- Phó Chánh án TAND Tối cao, thành viên ban soạn thảo, Luật Phá sản này có nhiều nội dung được sửa đổi cơ bản đáp ứng tương đối đầy đủ về thủ tục phá sản.
Luật Phá sản xác định rõ người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Đó là, chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần; người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở; người đại diện theo pháp luật của DN, HTX. Luật cũng quy định: cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong trường hợp Điều lệ công ty có quy định.
Về nghĩa vụ, Luật quy định, chủ DN tư nhân, Chủ tịch HĐQT của công ty cổ phần có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi DN mất khả năng thanh toán.
Điểm mới của Luật Phá sản này là có thêm chế định Quản tài viên. Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp của các thành viên trong Tổ quản lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản năm 2004, Luật Phá sản quy định cá nhân, DN được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản gồm: quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản. Theo quy định, quản tài viên là luật sư, kiểm toán viên, người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 5 năm trở lên, được cấp chứng chỉ hành nghề. Cũng theo quy định, DN quản lý, thanh lý tài sản gồm: công ty hợp danh có tối thiểu 2 thành viên là quản tài viên, hoặc giám đốc của công ty hợp danh là quản tài viên; DN tư nhân có chủ DN là quản tài viên đồng thời là giám đốc.
Một điểm mới nữa là, thủ tục thương lượng trước khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thực tiễn cho thấy, trong nhiều trường hợp, các bên thương lượng được với nhau và đã rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, Luật Phá sản 2004 không quy định về vấn đề này. Để có căn cứ pháp lý cho việc thương lượng, Luật Phá sản bổ sung quy định về thương lượng trước khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là chủ nợ..
Sau 9 năm thực hiện theo Luật Phá sản năm 1993, cả nước mới tuyên bố được 53 DN phá sản. Theo Luật Phá sản năm 2004, đến thời điểm tổng kết tháng 12/2012, tức sau 8 năm thi hành Luật, cũng chỉ có 83 quyết định tuyên bố phá sản. Như vậy số lượng DN lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán còn tồn đọng rất lớn.

Hải Nam

Theo cohoigiaothuong.com.vn