Cơ hội giao thương - Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.



Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đã được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.
Luật này đã giao Chính phủ quy định chi tiết về 7 nội dung sau: 1- Việc đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp và cơ chế đặt hàng của Nhà nước đối với doanh nghiệp có chức năng hỗ trợ điều tiết kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước; 2- Trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp; 3- Tiêu chí đánh giá hiệu quả, trình tự, thủ tục đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp đang hoạt động; 4- Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước để tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; 5- Trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp; 6- Lộ trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; 7- Việc quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Căn cứ nội dung quy định nêu trên của Luật, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp là cần thiết và có cơ sở pháp lý.
Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp gồm 6 chương, 47 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ những quy định cụ thể về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, trong đó quy định rõ về đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp nhà nước, đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động; quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phẩn, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên…
Khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Một trong những nội dung còn nhiều tranh cãi hiện nay là về khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, các khoản vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cũng được xác định là vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 của Luật quản lý nợ công, khi phát sinh khoản vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, xét về bản chất là các khoản vay của doanh nghiệp thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng, thỏa thuận vay với tổ chức cho vay. Do đó, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ hoàn trả nợ, không được coi là vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trường hợp đến hạn trả nợ mà doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, Nhà nước phải trả nợ thay cho doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Nhà nước thì được tính là khoản Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp và được coi là vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tương tự như vậy đối với khoản vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước mà doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ được Nhà nước cho xử lý xóa nghĩa vụ trả nợ, quyết định tăng vốn cho doanh nghiệp và được xác định là vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Từ những căn cứ nêu trên, để phù hợp với bản chất và phương thức quản lý, hướng dẫn không trái với quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất quy định cụ thể, giải thích bổ sung đối với khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo Nghị định.
Cụ thể: “Vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước là vốn được quy định tại Khoản 8 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trong đó vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là khoản nợ doanh nghiệp phải trả theo quy định của pháp luật và được xác định là vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong trường hợp các khoản vốn vay đã được Nhà nước trả nợ thay, được Nhà nước xóa nợ và quyết định chuyển thành vốn cấp của Nhà nước cho doanh nghiệp của cấp có thẩm quyền.”



(Theo Chinhphu.vn)

Theo cohoigiaothuong.com.vn