Cơ hội giao thương - Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, “gỗ hợp pháp” được xác lập trên cơ sở pháp luật Việt Nam và tuân thủ các quy định về giấy phép FLEGT.






Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, “gỗ hợp pháp” được xác lập trên cơ sở pháp luật Việt Nam và tuân thủ các quy định về giấy phép FLEGT.
Hộ gia đình, tổ chức có bị “hành”?
Đến thời điểm hiện nay, đàm phán “Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Lâm luật, quản trị rừng và Thương mại Lâm sản” (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU đang vào giai đoạn chuẩn bị kết thúc. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến băn khoăn, khi Chính phủ Việt Nam với EU ký kết VAP/FLEGT thì EU có ràng buộc thêm điều kiện, thủ tục nào về gỗ hợp pháp hay không?
Câu trả lời của các chuyên gia, các nhà quản lý là: “Không”! Ông Trần Văn Triển, Phó Trưởng phòng Điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, cho hay: “Các tổ chức và cá nhân tham gia chuỗi cung ứng từ khâu trồng rừng, khai thác, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu… chỉ cần thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam là đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp mà EU đặt ra. EU sẽ không có quy định thêm so với pháp luật hiện hành của Việt Nam”.
“Một trong những nội dung khó và quan trọng nhất về khuôn khổ định nghĩa gỗ hợp pháp, đến nay hai bên đã thống nhất chia định nghĩa này thành hai nhóm: “Nhóm tổ chức” và “Nhóm hộ gia đình” với yêu cầu pháp lý khác nhau. Về chủ trương đối với hộ gia đình sẽ hạn chế tối đa các thủ tục hành chính trong việc xác minh tính hợp pháp của gỗ” - bà Nguyễn Tường Vân, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo FLEGT và Lacey - Tổng cục Lâm nghiệm (TCLN), cho biết.
Theo Bản góp ý Dự thảo 6 định nghĩa gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp của TCLN, nhóm “Tổ chức” bao gồm các công ty lâm nghiệp, lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng, công ty chế biến gỗ và các loại hình công ty kinh doanh lâm nghiệp như: công ty buôn bán gỗ, công ty vận chuyển gỗ, công ty xuất, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang hoạt động ở Việt Nam. Còn nhóm “hộ gia đình” bao gồm các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn ở trong nước; cá nhân người nước ngoài có hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, cất giữ lâm sản ở Việt Nam.
Đối với đặc thù của nhóm “Hộ gia đình”, bà Nguyễn Tường Vân lý giải: “Hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam chúng tôi đã giải thích với bạn (đoàn đàm phán EU) là do lịch sử để lại. Trồng rừng, khai thác rừng và sử dụng gỗ thì không chỉ các công ty tham gia như ở châu Âu (họ được quyền sở hữu tư nhân về đất đai, tích tụ và trồng hàng nghìn hecta). Còn ở nước ta, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, được giao cho hộ gia đình để sử dụng vào mục đích trồng rừng. Chúng tôi đã đưa họ đến thực địa để tận mắt chứng kiến. Sau khi đi hiện trường về họ đã đồng ý và chỉ chấp nhận đối với VN có hộ gia đình trồng rừng”.
Định nghĩa gỗ hợp pháp của EU: Không có gì xa lạ
Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, “gỗ hợp pháp” được xác lập trên cơ sở pháp luật Việt Nam và tuân thủ các quy định về giấy phép FLEGT. Đó là tập hợp các các qui định luật pháp của Việt Nam liên quan đến khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến đến khi xuất khẩu gỗ sản phẩm gỗ, bao gồm cả các qui định về đất đai, lao động, môi trường, tài chính mà các chủ rừng, hộ gia đình, các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực này cần phải tuân thủ.
Chẳng hạn, yêu cầu đối với gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp của “Nhóm tổ chức” theo mô tả của Tổng cục Lâm nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân theo 7 nguyên tắc, bao gồm: Khai thác gỗ trong nước tuân thủ các qui định về quyền sử dụng đất, sử dụng rừng, quản lý và môi trường; Tuân thủ các qui định xử lý gỗ tịch thu; các qui định về nhập khẩu gỗ; về vận chuyển, mua bán gỗ; chế biến gỗ; Tuân thủ qui định về xuất khẩu và Tuân thủ các qui định về thuế. Tương ứng với các nguyên tắc đó là các giấy tờ, hồ sơ dựa trên văn bản pháp luật cụ thể do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành và đang có hiệu lực.
Được biết, các cơ quan tham mưu đã thống kê đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực đến ngày 31/3/2015 gửi cho đoàn đàm phán EU tại Việt Nam rà soát, để chứng minh các quy định của pháp luật Việt Nam đã đầy đủ đảm bảo tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ theo tiêu chí của EU.
Phó Chủ tịch thường trực Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM Huỳnh Văn Hạnh, dự báo: “Nguồn cung gỗ rừng trồng, gỗ cây cao su và gỗ từ các cây trồng phân tán trong nước hiện chiếm khoảng 50%. Một nửa còn lại tổng nhu cầu gỗ nguyên liệu đều nhập từ các nước có trình độ quản lý rừng trồng tốt nên đều là nguồn gỗ hợp pháp. Đây là cơ sở để Việt Nam trở thành một nước sản xuất và nhập khẩu gỗ hợp pháp”.
“Nội dung đàm phán VPA/FLEGT giữa Chính phủ Việt Nam với EU gồm 6 vấn đề: (1) Danh mục hàng hóa đưa vào VPA; (2) Định nghĩa gỗ hợp pháp; (3) Kiểm soát chuỗi cung; (4)Hệ thống xác minh gỗ hợp pháp (TLAS); (5) Quy trình cấp phép FLEGT và (6) Giám sát độc lập”.

“Việt Nam và EU bắt đầu đàm phán từ tháng 11/2010, đến nay đã có 4 phiên đàm phán cấp cao (TWG), 8 phiên cấp kỹ thuật (JEM) và 29 cuộc họp trực tuyến. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ tổ chức 2 phiên đàm phán cấp cao TWG 5 tại Hà Nội và TWG 6 tại Bỉ. Cùng thời điểm đó sẽ có 3 cuộc họp cấp kỹ thuật JEM9 vào tháng 4, JEM 10 vào tháng 7 và JEM11 trước khi kết thúc đàm phán dự kiến vào cuối năm 2015”.


(Theo VOV Online)

Theo cohoigiaothuong.com.vn