Cơ hội giao thương - Cần cân nhắc phân tích thận trọng đầy đủ các mặt tác động của việc dán tem sản phẩm bia khi quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ngành bia”.




Tọa đàm "Quy hoạch và công tác quản lý ngành bia Việt Nam".

Cần cân nhắc phân tích thận trọng đầy đủ các mặt tác động của việc dán tem sản phẩm bia khi quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ngành bia”.
Đó là ý kiến của các đại biểu tại buổi Tọa đàm "Quy hoạch và công tác quản lý ngành bia Việt Nam" do Hiệp hội Bia rượu- nước giải khát tổ chức ngày 14/5/2015 tại Hà Nội.

Tại buổi Tọa đàm, nội dung về dán tem cho sản phẩm bia được các đại biểu đặc biệt quan tâm và bàn luận sôi nổi.
Theo Đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ngành bia”, việc dán tem cho sản phẩm bia nhằm mục đích quản lý thống nhất từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến phân phối, bán lẻ bia; ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại; đồng thời giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Việt- Chủ tịch Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam (VBA), dán tem sẽ không đạt được kỳ vọng của các cơ quan quản lý.
Đối với vấn đề quản lý nhà nước về sản lượng sản xuất bia, ông Việt cho hay, hiện trong ngành bia có 2 doanh nghiệp nhà nước là Habeco và Sabeco chiếm trên 60% năng lực và thị phần, các doanh nghiệp này hàng năm đều đăng ký kế hoạch sản xuất đối với Bộ Công Thương.
Còn đối với các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp tư nhân, DN cổ phần, công ty TNHH đều báo cáo qua hệ thống cơ quan thống kê nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Từ đó cơ quan thống kê đều tập hợp báo cáo được sản lượng bia toàn quốc hàng quý, hàng năm. Do vậy, việc nắm và quản lý nhà nước về sản lượng bia sản xuất là đầy đủ kịp thời không nhất thiết phải dán tem- ông Việt nhấn mạnh.
Đối với việc nộp ngân sách, hiện việc tính thuế và nộp thuế theo các luật thuế hiện hành đều dựa trên cơ sở sản lượng sản phẩm tiêu thụ và doanh thu ngành bia. Các loại thuế lại được xác định và tính thuế khác nhau theo quy định của luật như VAT theo doanh thu, thuế TTĐB theo sản lượng tiêu thụ và doanh thu, thuế TNDN theo lợi nhuận…
Với ý kiến cho rằng, việc dán tem bia nhằm chống các hành vi gian lận thương mại, thực tế hiện nay, lượng bia nhập khẩu đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể, năm 2009 nhập khẩu 20,4 triệu lít đến năm 2012 nhập khẩu còn 3,31 triệu lít; xuất khẩu năm 2009 là 14,66 triệu lít và đến năm 2012 là 85,53 triệu lít). Hơn nữa, do sản xuất của các doanh nghiệp bia hiện đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng với giá cả hợp lý, phù hợp sức mua, sản phẩm bia có sức cạnh tranh cao trong hội nhập nên hàng lậu, hàng giả đối với bia là rất ít.
Mặt khác, theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2014 hàng lậu, hàng giả kém chất lượng về bia chỉ có 185.842 chai tương đương 95.000 lít. Như vậy có thể thấy thực tế sản phẩm bia rất ít hàng lậu, hàng giả, xuất nhập khẩu chưa nhiều. Các đại biểu đều cho rằng, việc dán tem không có tác động và ảnh hưởng tới vấn đề quản lý nhà nước về chống hàng lậu hàng giả mặt hàng bia.
Đặc biệt, vấn đề khiến doanh nghiệp ngành bia lo ngại nhất là kinh phí. Theo ông Lê Hồng Xanh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một TV TM Sabeco, nếu phải dán tem, thì với 23 nhà máy, SABECO sẽ phải đầu tư ban đầu khoảng 700 tỷ đồng cho máy móc thiết bị kèm theo gần 1.500 tỷ đồng mỗi năm cho việc sản xuất tem… Như vậy, là vô cùng tốn kém, sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, và cuối cùng là người tiêu dùng chịu thiệt- ông Xanh nhấn mạnh.
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát đề nghị Bộ Công Thương, các Bộ ngành và Chính phủ cần xem xét cân nhắc phân tích thận trọng đầy đủ các mặt tác động của việc dán tem sản phẩm bia khi quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ngành bia”.


Lê Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn