Cơ hội giao thương - Là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) cho rằng, nếu không sửa đổi một số chính sách không phù hợp với thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế thì DN sẽ rất khó hội nhập, chứ chưa nói đến cạnh tranh với các nước khác.


Là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) cho rằng, nếu không sửa đổi một số chính sách không phù hợp với thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế thì DN sẽ rất khó hội nhập, chứ chưa nói đến cạnh tranh với các nước khác.
Bỏ lỡ cơ hội và hợp đồng giá trị lớn
Bà Đặng Phương Dung- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, một số DN dệt may nhận được đơn hàng sản xuất đồng phục, quân trang cho quân đội nước ngoài. Tuy nhiên, do đây là mặt hàng cấm xuất nhập theo quy định của Bộ Quốc phòng, nên đến khi nhận được mẫu sau rất nhiều thủ tục phức tạp thì đã muộn, các DN này đều bị lỡ đơn hàng. Mà thường thì những đơn hàng này có trị giá rất lớn, nếu nhận được thì sẽ giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, cải thiện tình hình sản xuất, kinh doanh cho nhiều DN.
Mới đây, Hiệp hội Dệt May Việt Nam có nhận được phản ảnh từ một đơn vị có nhận sản xuất đồng phục Công an "Tasmania Police" của Australia - đề nghị gỡ khó trong việc sản xuất quân trang, quân phục cho quân đội nước ngoài. Phía khách hàng có trình văn bản cho phép ADA (Australian Defence Apparel Inc.) được đặt hàng sản xuất, gắn nhãn Tasmania Police trên sản phẩm đồng phục cảnh sát tại một số DN Việt Nam.
Trường hợp doanh nghiệp may trên không phải là duy nhất. Điều đáng nói là DN Việt Nam nhận được khá nhiều đơn hàng tương tự từ Australia, Italia, Romania… Mỗi đơn hàng như vậy, DN lại phải gửi công văn tới Bộ Công Thương, xin được sản xuất, xuất khẩu mặt hàng đó. Nhưng Bộ Công Thương cũng không có quyền quyết định mà chỉ ghi nhận ý kiến, sau đó phối hợp với Bộ Quốc phòng trả lời doanh nghiệp.
Trao đổi sâu hơn về vấn đề này, bà Dung chia sẻ: Năm 2014, được chào một đơn hàng 2 tỷ USD gồm quần áo, cờ, giầy dép, quân trang cho quân đội Mỹ… Hai bên thỏa thuận xong, nhưng khi gửi mẫu về Việt Nam thì đối tác kêu phản ánh là hàng mẫu bị ách lại ở hải quan. Vì đó là hàng cấm nhập theo quy định của Bộ Quốc phòng. Sau rất nhiều thủ tục phức tạp thì hơn một tháng sau, DN cũng nhận được hàng mẫu, nhưng khi ấy đã muộn.
Cần quy định phù hợp
Được biết, mặt hàng quân trang, quân dụng (đang được sử dụng cho lực lượng vũ trang) bị cấm xuất nhập khẩu là theo Quyết định số 80/2006/QĐ-BQP ngày 9/5/2006 của Bộ Quốc phòng. Theo các DN, quy định này không hợp lý, bởi dệt may cũng như nhiều ngành khác, việc sản xuất gia công theo đơn đặt hàng rất phổ biến.
Khi quân đội các nước có nhu cầu, ai thắng thầu thì sẽ được quyền sản xuất và cung ứng mặt hàng đó, cũng như quyền đặt các đối tác trên thế giới để sản xuất. “Không hiểu tại sao chúng ta lại phải bảo vệ cho nước ngoài trong vấn đề này, trong khi chính họ không lo ngại vì khi đặt sản xuất, họ đều có các cam kết về quyền được quân đội nước nhập khẩu cho phép. Liệu có cách nào tháo gỡ luôn cho doanh nghiệp không, chứ mỗi lần lại xin phép mấy Bộ như thế này thì DN mất rất nhiều thời gian, thậm chí sẽ bỏ lỡ cơ hội kinh doanh”, bà Phương Dung trăn trở.
Đến nay, Quyết định số 80/2006/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng được ban hành để hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/6/2006 của Chính phủ. Đến nay Nghị định số 12/2006/NĐ-CP đã hết hiệu lực và đã được thay thế bằng Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ, nhưng Bộ Quốc phòng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 187.
Trên thực tế, ngay cả cơ quan hải quan cũng đang lúng túng trong quá trình thực hiện quy định này. Trước đó, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất làm thủ tục cho lô hàng gồm trên 2.000 quần, áo, ba lô, túi, nón…, được doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu đi Australia. Qua kiểm tra thực tế hàng hóa, có nhiều mặt hàng may bằng vải có màu loang lổ, rằn ri như trang phục của lực lượng vũ trang nên đã tạm dừng thông quan. DN xuất khẩu giải trình hàng hóa xuất khẩu cho đối tác nước ngoài với mục đích sử dụng kinh doanh buôn bán cho dân thường, cho cảnh sát, quân đội (ngoại trừ lực lượng phản động).
Do vậy, Tổng cục Hải quan đã có công văn đề nghị Cục Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Quốc phòng) có ý kiến tham gia về chính sách xuất khẩu đối với mặt hàng có kiểu dáng quân trang như trường hợp vướng mắc của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Để xác định hàng hóa có phải là quân trang, quân phục đang sử dụng cho các lực lượng vũ trang hay không, cơ quan quản lý cần gửi trưng cầu giám định tại cơ quan, tổ chức nào?
Từ thực trạng trên, bà Đặng Phương Dung cho rằng, nếu các chính sách không được sửa đổi theo các thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế, thì doanh nghiệp sẽ rất khó hội nhập, chưa nói đến cạnh tranh với nước ngoài. “Nếu chính sách không thay đổi thì tự chúng ta làm khó chúng ta. Môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện trên thực tiễn từ việc sửa đổi những quy định cụ thể như vậy”, bà Phương Dung nói.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Quốc phòng trong việc quy định các trường hợp DN Việt Nam nhận sản xuất đồng phục, quân trang cho quân đội nước ngoài, có giấy phép của nước đó thì được phép làm thủ tục hải quan bình thường như các đơn hàng sản xuất-gia công quần áo thông thường khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Lê Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn