Cơ hội giao thương - Bán buôn cạnh tranh là bước đi thứ 2 trên tổng số 3 bước để triển khai thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh tại Việt Nam.


Bán buôn cạnh tranh là bước đi thứ 2 trên tổng số 3 bước để triển khai thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh tại Việt Nam.
Bộ Công Thương vừa phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh nhằm triển khai thực hiện trong thời gian tới. Việc thí điểm giai đoạn I (tính toán mô phỏng trên giấy, không thanh toán thực) sẽ diễn ra từ đầu năm 2016, sau khi các bước chuẩn bị hoàn tất trong năm nay. Giai đoạn vận hành thí điểm bước II sẽ thực hiện trong khoảng 2 năm 2017-2018, trước khi vận hành chính thức vào năm 2019.
Theo quyết định, bên bán điện gồm các đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện có công suất trên 30 MW sẽ được trực tiếp tham gia thị trường điện. Nhà máy điện được đầu tư theo hình thức Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT), nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu sẽ tham gia theo các hình thức trực tiếp, hoặc qua đơn vị chào giá thay thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Các nguồn điện nhập khẩu, các nhà máy điện sử dụng năng lượng giá, mặt trời, địa nhiệt không phân biệt mức công suất đặt, các nhà máy thủy điện có công suất từ 30MW trở xuống sẽ không tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Bên mua điện, theo thiết kế, gồm có 5 Tổng công ty Điện lực gồm miền Bắc, miền Nam, miền Trung, TP. Hà Nội và TP. HCM. Các đơn vị mua buôn mới được phép tham gia thị trường khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ Công Thương và Công ty Mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Trước đó, theo Quyết định 26/2006 của Thủ tướng, lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam trải qua các bước sau: Cấp độ I (2005 - 2014) là thị trường phát điện cạnh tranh; Cấp độ II (2015 - 2022) là thị trường bán buôn điện cạnh tranh và Cấp độ 3 (sau 2022) là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.


(Theo VnExpress)

Theo cohoigiaothuong.com.vn