Cơ hội giao thương - Đó là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu; tuyên truyền, phổ biến việc tận dụng các FTA; thuận lợi hóa thương mại…





kiểm tra hàng nhập khẩu tại cảng Hải Phòng

Đó là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu; tuyên truyền, phổ biến việc tận dụng các FTA; thuận lợi hóa thương mại…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, vừa ký ban hành Chỉ thị số 16 về một số giải pháp tăng cường xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu trong 3 tháng cuối năm 2015, trong đó yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty, các tiệp hội ngành hàng tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Các nhóm giải pháp tăng cường xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu trong 3 tháng cuối năm gồm:

Thứ nhất, Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu:
Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Kế hoạch, các cục,vụ quản lý sản xuất phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước và doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu (XK); các cục, vụ quản lý sản xuất rà soát các dự án sắp hoàn thành đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất để sớm đưa vào hoạt động, phục vụ XK.

Tổng cục Năng lượng nghiên cứu, xem xét báo cáo lãnh đạo Bộ phương án trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu than chất lượng cao mà trong nước chưa có nhu cầu sử dụng…

Thứ hai, phát triển thị trường xuất khẩu:Các Vụ Thị trường ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài rà soát, đánh giá ảnh hưởng của tỷ giá tới các mặt hàng XK chủ lực, đặc biệt là các mặt hàng có cạnh tranh với hàng hóa XK của Việt Nam của nước sở tại và các nước có phá giá tiền tệ, kiến nghị các giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm việc với các cơ quan quản lý của nước sở tại, các Thương vụ, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam để thúc đẩy đàm phán, ký thỏa thuận về thương mại, các thỏa thuận có liên quan giúp mở cửa thị trường cho các chủng loại trái cây, rau quả có thể mạnh của Việt Nam như thanh long ruột đỏ vào Nhật Bản, vú sữa vào Hàn Quốc, chôm chôm vào Niu-di-lân, xoài và thanh long vào Úc.
Thứ ba, tuyên truyền, phổ biến việc tận dụng các FTA:Các đơn vị chủ trì đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trao đổi với phía đối tác nhằm đôn đốc các nước đã ký FTA với Việt Nam hoàn thành sớm các thủ tục nội bộ trong việc phê chuẩn thông qua Hiệp định để sớm đưa vào thực thi; xây dựng các văn bản nội luật để sớm tận dụng các cơ hội do các FTA mới ký mang lại…

Thứ tư, thuận lợi hóa thương mại:
Các cục, vụ liên quan tiếp tục triển khai hiểu quả, đúng tiến độ các giải pháp về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm (2015-2016); rà soát danh mục mặt hàng và quy trình cấp giấy phép đối với các nhóm hàng hiện đang được quản lý theo hình thức giấy phép theo hướng giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tạo thuận lợi hoạt động của DN…

Thứ năm, tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu, sử dụng hàng sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu: Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài bộ rà soát các biện pháp quản lý nhập khẩu đang triển khai, đề xuất các biện pháp phù hợp với cam kết quốc tế để quản lý nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng và nhóm hàng trong nước đã sản xuất được; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý những van đề vượt thẩm quyền.

Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ tổ chức thực hiện nhập khẩu hợp lý, đảm bảo sản xuất, không nhập quá nhu cầu; xem xét khả năng tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, thay thế nhập khẩu.

Bộ Công thương có chỉ thị trên nhằm góp phần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu về xuất nhập khẩu Quốc hội đã thông qua cho năm 2015 là tăng trưởng xuất khẩu 10% và tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%.

Được biết, 9 tháng đầu năm, kim ngạch XK của Việt Nam ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là mức tăng trưởng tiệm cận chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu được Quốc hội thông qua là 10%. Trong khi đó nhập khẩu đạt 124,56 tỷ USD, tăng 15,9%. Nhập siêu được kiểm soát, ở mức 3,86 tỷ USD, bằng khoảng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Dự báo trong 3 tháng cuối năm, XK có những cơ hội thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng nhờ sự tăng trưởng ổn định của kinh tế trong nước, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng tín dụng đạt khá và việc điều chỉnh tỷ giá trong thời gian qua đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN XK.

CHGT

Theo cohoigiaothuong.com.vn