Cơ hội giao thương - Mức thu cụ thể của Quỹ Phát triển cà phê Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ, trước mắt năm 2017 là 2 USD/tấn cà phê xuất khẩu. Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến năm 2017 nguồn thu từ Quỹ sẽ vào khoảng 70 tỷ đồng.




Thu hoạch cà phê ở thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà (Kon Tum).



Cần khoảng 45 nghìn tỷ đồng tái canh cây cà phê
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, tỷ lệ diện tích cà phê có tuổi đời cao trên 20 năm chiếm đến gần 30%, trong đó có một số diện tích đã quá già cỗi trên 25 năm, năng suất thấp (dưới 1 tấn/ha), hiệu quả kinh tế rất thấp, chủ yếu tập trung ở vùng Tây Nguyên.
Dự báo đến năm 2020, sẽ có khoảng 50% diện tích cây cà phê (khoảng gần 250.000 ha) cần được thay thế. Nhu cầu về vốn phục vụ cho tái canh cây cà phê từ nay đến năm 2020 dự kiến khoảng 45 nghìn tỷ đồng. Nếu không có kế hoạch hỗ trợ vốn cung cấp giống và nguồn nhân công phục vụ tái canh thì sẽ có nguy cơ giảm sản lượng nghiêm trọng trong những năm tới.
Cà phê là ngành hàng nông sản đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước với kim ngạch xuất khẩu hàng năm 2,5-3 tỷ USD.Với diện tích trên 630.000 hecta tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên, ngành cà phê tạo ra gần 2,5 triệu việc làm, đóng góp 2% GDP của cả nước và chiếm 30% GDP của các tỉnh Tây Nguyên, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị xã hội an ninh của cả vùng Tây Nguyên. Năm 2014, ngành hàng cà phê đã xuất khẩu 1,67 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,6 tỷ USD, đứng đầu Châu Á và thứ 2 thế giới về sản lượng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và người mua nước ngoài đẩy mạnh thâm nhập thị trường Việt Nam, thậm chí còn lập cả hệ thống thu mua trực tiếp từ nông dân gây khó khăn cho những doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước do không đủ tiềm lực tài chính để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Theo thống kê, tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp của doanh nghiệp nước ngoài tăng từ 35% năm 2010 lên 40% năm 2014.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã có quyết định thành lập Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng Cà phê Việt Nam, nhưng đến nay quỹ vẫn chưa thể hoạt động.
Do đó, việc thành lập quỹ phát triển cà phê để có một nguồn vốn ổn định hỗ trợ lãi suất tạm trữ cà phê cho các doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn khi thị trường có biến động bất lợi là cần thiết.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã đề xuất và đang lấy ý kiến góp ý trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định thành lập Quỹ Phát triển cà phê Việt Nam.
Quỹ ra đời sẽ phát huy nội lực của ngành cà phê, đảm bảo phát triển sản xuất và xuất khẩu cà phê có hiệu quả, bền vững; giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường và giữ vững trật tự xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.
Lập Quỹ tạo nguồn lực hỗ trợ phát triển cà phê
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, Quỹ Phát triển cà phê Việt Nam hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, huy động nguồn đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ tài chính phát triển sản xuất, chế biến tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu cà phê.
Đồng thời, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của ngành hàng, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà xuất khẩu trong các tranh chấp thương mại; góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi có biến động bất lợi trên thị trường.
Quỹ được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc các ngân hàng trong nước và nước ngoài.
Quỹ thực hiện các nghĩa vụ về thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.
Quỹ hoạt động dựa trên nguyên tắc là sự tự nguyện tham gia đóng góp hàng năm của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê.
Mức thu cụ thể do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ, trước mắt năm 2017 là 2USD/tấn cà phê xuất khẩu. Trường hợp giá bán thấp hơn hoặc bằng giá thành thì không thực hiện thu về Quỹ. Mức đóng góp vào Quỹ do hải quan cửa khẩu thực hiện ngay khi làm thủ tục xuất khẩu.
“Nguồn thu ở đây không phải là nguồn thu của ngân sách nhà nước, cũng không phải là phí hay lệ phí theo Luật, mà là sự đóng góp từ các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê hình thành nên thông qua Tổng cục Hải quan thu hộ”, Bộ Tài chính cho biết.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến năm 2017 nguồn thu từ Quỹ khoảng 70 tỷ đồng (2USD/tấn x 1,67 triệu tấn x 21.000đ/USD).
Các khoản chi từ quỹ được sử dụng để hỗ trợ kinh phí tạo nguồn giống, quy trình kỹ thuật phục vụ cho tái canh cây cà phê. Chi hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn để tạm trữ cà phê xuất khẩu, mức hỗ trợ.
Đồng thời, chi hỗ trợ cho xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, nâng cao chất lượng và phát triển cà phê bền vững; xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu; phát triển thị trường trong nước; xây dựng thương hiệu cà phê.
Đối tượng áp dụng, gồm tất cả các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cà phê, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); các cá nhân, tổ chức tự nguyện tham gia đóng góp vào Quỹ hàng năm./.
Trên thế giới, Braxin, nước đứng đầu sản xuất, xuất khẩu cà phê thế giới, cũng đã hình thành Quỹ Dự phòng của nền kinh tế cà phê – Fundcafe và đã thực hiện có hiệu quả. Trong năm 2012, trước tình hình giá cà phê Arabica giảm mạnh, Chính phủ đã quyết định trích 1,8 tỷ USD từ Quỹ này để hỗ trợ vốn cho nông dân và doanh nghiệp thu mua tạm trữ cà phê.
Colombia, nước sản xuất, xuất khẩu cà phê thứ 2 sau Braxin ở Nam Mỹ, Chính phủ nước này cũng đã quyết định thành lập Quỹ quốc gia về cà phê (Fondo Nacional del Café – NCF), nhằm giúp ổn định thu nhập của ngành hàng cà phê, giảm tác động biến động giá quốc tế thông qua các chính sách tạm trữ cà phê, đẩy mạnh sản xuất cà phê hiệu quả và bền vững… Nguồn thu Quỹ tối đa không quá 0,03USD/Pound (0,454kg) trên tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Colombia.
Indonesia, nước sản xuất, xuất khẩu cà phê thứ 3 thế giới sau Braxin và Việt Nam, Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Indonesia (AEKI) đã thành lập Quỹ Cà phê do Hiệp hội quản lý. Nguồn kinh phí của Quỹ do các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đóng góp trên cơ sở thu phí theo khối lượng cà phê xuất khẩu. Mức thu hiện hành 20Rp/1 kg cà phê nhân (khoảng 2,18 USD/tấn). Mục đích sử dụng nhằm thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, phát triển cà phê hiệu quả và bền vững của ngành hàng cà phê Indonesia.
Ấn Độ: Năm 2003, Chính phủ đã thành lập Quỹ Bình ổn giá của Chính phủ Ấn Độ đối với mặt hàng cà phê, cao su, chè và thuốc lá (Price Stabilization Fund Scheme of Government of India - PSF), mục đích đảm bảo quyền lợi của các hộ trồng cà phê, hỗ trợ tài chính khi giá cà phê xuống thấp hơn mức giá sàn quy định. Ban quản lý Quỹ bao gồm đại diện các cơ quan nhà nước và Hiệp hội cà phê Ấn Độ. Tổng trị giá của Quỹ trên 5 tỷ Rupi (khoảng trên 100 triệu USD), trong đó 96% nguồn ngân sách nhà nước, 4% kinh phí đóng góp của người trồng và xuất khẩu cà phê Ấn Độ.
Trên cơ sở kinh nghiệm thế giới, Việt Nam muốn phát triển bền vững lĩnh vực cây cà phê cần thiết phải hình thành Quỹ nhằm cung cấp nguồn lực hỗ trợ đổi mới giống, tái canh, hỗ trợ xuất khẩu.
Tùy mục tiêu của Chính phủ mà Quỹ có sự hỗ trợ ban đầu nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn thu chủ yếu từ các cá nhân doanh nghiệp và tổ chức kinh tế sản xuất (trồng trọt), chế biến và kinh doanh xuất khẩu cà phê. Mức thu tính theo 1 tỷ lệ/ số tuyệt đối/kim ngạch xuất khẩu cà phê.
Ngoài ra, cần thiết phải có sự tham gia của các cơ quan nhà nước quản lý ngành hàng nhằm đảm bảo việc sử dụng, quản lý nguồn thu theo đúng mục đích, công khai, minh bạch và đảm bảo ngành hàng cà phê phát triển đúng định hướng kinh tế xã hội quốc gia./.



(Theo Thời báo Tài chính)

Theo cohoigiaothuong.com.vn