Cơ hội giao thương - Bộ Tài Chính vừa có ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ về đề xuất xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, cho dù, trong những năm tới, nhu cầu nhập than của Việt Nam rất lớn.




Dự báo giai đoạn 2016 - 2020 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than số lượng rất lớn.

Cụ thể, trong một văn bản gửi Văn phòng Chính phủ trong tuần này, Bộ Tài Chính nêu rõ quan điểm về kế hoạch xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao trong thời gian sắp tới của Bộ Công Thương.
Cụ thể, theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2016-2020, Việt Nam sẽ dư thừa lượng than cám, than cục chất lượng cao khoảng 2,1-2,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị cần phải thực hiện các quy định đã có về quản lý hoạt động kinh doanh, xuất khẩu than theo chính Thông tư 15/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương trước đây và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải từ đầu năm 2015.
Trước đó trong năm 2015, với đánh giá là nhu cầu than trong nước ngày càng tăng cao, cần phải ưu tiên phục vụ cho sản xuất trong nước, Chính phủ và Bộ Công Thương đã chỉ đạo dừng xuất khẩu nhiều loại than, trong đó có than cám để phục vụ làm nguyên liệu cho các nhà máy điện trong nước và danh mục than cám đã dừng xuất khẩu theo chỉ đạo của thường trực Chính phủ.
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) trong năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan từ năm 2015 không được xuất khẩu than cám, than cục nhằm phục vụ kế hoạch dự trữ than cho sản xuất điện năm 2018-2020.
Cũng về việc ngừng xuất khẩu than, trong năm 2013, Bộ Công Thương đã ban hành liên tiếp 2 Thông tư số 14 và 15/2013 về quy định xuất khẩu than và dừng xuất khẩu than cám. Bộ Công Thương khẳng định: Các loại than phải có nguồn gốc hợp pháp, than đã qua chế biến, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Chỉ doanh nghiệp được chỉ định hợp pháp mới được phép kinh doanh và xuất khẩu than. Các loại than phục vụ nhà máy nhiệt điện không được phép xuất khẩu.
Những năm gần đây song song với việc xuất khẩu than thì Việt Nam cũng phải nhập khẩu than để phục vụ phát điện. Việc đề nghị xuất khẩu than cục, than cám đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ xuất khẩu than chất lượng cao, giá cao để nhập loại than chất lượng thấp trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, Việt Nam ngày càng phải nhập khẩu nhiều than hơn trong giai đoạn 2016 - 2020 và mục tiêu 2030 nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho hơn 20 nhà máy nhiệt điện chạy than trong nước
Theo số liệu và tính toán của Bộ Công Thương, sản lượng khai thác và sản xuất than trong năm 2015 của toàn ngành than đạt 40,03 triệu tấn, năm 2016 là 43,77 triệu tấn, năm 2020 là 50,38 triệu tấn và năm 2030 là 57,49 triệu tấn. Đối chiếu với nhu cầu tiêu dùng được Bộ Công thương tính toán năm 2015 thừa 3,5 triệu tấn và năm 2016 thừa 2 triệu tấn. Do đó, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu 2 triệu tấn than trong năm 2015.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, con số nhập khẩu than của Việt Nam trong kế hoạch ngày một lớn dần, trong năm 2014 -2015 TKV cũng thí điểm nhập khẩu trên 41.000 tấn than từ Nga nhằm phục vụ nguyên liệu đầu vào cho khoảng 20 nhà máy nhiệt điện trên cả nước.
Theo kế hoạch của TKV và Bộ Công Thương, giai đoạn 2016 – 2020 Việt Nam sẽ phải nhập khoảng 20 – 30 triệu tấn than, riêng năm 2017, nhập khẩu than ước tính sẽ đạt 5,5 triệu tấn, còn năm 2020 nhập khẩu khoảng 26,5 triệu tấn. Về dài hạn, từ năm 2020 trở đi, ngành than sẽ phải nhập từ 40 - 50 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu than cũng được Bộ Công Thương đánh giá là rất khó khăn do phải cạnh tranh với các nước trong việc khai thác tài nguyên từ nước ngoài phục vụ nhu cầu kinh tế về dài hạn của mỗi nước. Trong khi Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn về phương tiện nhập (phải có tàu trọng tải rất lớn) và bến cảng đủ điều kiện tiếp nhận tàu. Đã có những kế hoạch đầu tư, liên doanh khai thác than ở nước ngoài, nhưng các kế hoạch này cũng khó khả thi do phải cạnh tranh với một số nước, nhất là Trung Quốc và Thái Lan.



(Theo Dân Trí)

Theo cohoigiaothuong.com.vn

View more random threads: