Cơ hội giao thương - Các đối tượng thường dùng xe phân phối lớn, đi tốc độ nhanh sẵn sàng lao thẳng vào các cơ quan chức năng...


Các đối tượng thường dùng xe phân phối lớn, đi tốc độ nhanh sẵn sàng lao thẳng vào các cơ quan chức năng...
Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra, xử lý gần 60.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại. Với đặc thù đường biên giới dài, hiểm trở, lại thêm nhiều bất cập trong các quy định hiện hành và công tác quản lý, khiến tình trạng buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại qua biên giới diễn biến rất phức tạp, nhất vào gần thời điểm cuối năm. Điều này trở thành mối nguy hại lớn, đe dọa đến sản xuất và tiêu dùng nội địa.
Thời gian gần đây, tình hình buôn lậu qua biên giới ở Quảng Trị diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Ông Nguyễn Viết Thế, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị cho biết, các mặt hàng nhập lậu như thuốc lá, bia rượu, nước giải khát, đường kính, hàng điện tử… thường được xé lẻ và thuê người dùng xe thô sơ vận chuyển, sau đó được tập kết tại một số địa điểm để đưa vào nội địa tiêu thụ.

Tăng cường công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá trên toàn quốc (Ảnh: Radiovietnam)

Ông Nguyễn Viết Thế nhấn mạnh: “Từ biên giới đến nội địa, khu thương mại Lao Bảo, các đối tượng thường dùng xe phân phối lớn, đi tốc độ nhanh sẵn sàng lao thẳng vào các cơ quan chức năng; hoặc các đối tượng dùng xe khách đã được gia cố có các ngăn chứa hàng lậu. Hàng hóa cất giữ không phải khối lượng lớn mà nhỏ lẻ, nhất là thuốc lá có mức quy định hình sự nên các đối tượng xé lẻ, gom hàng dọc tuyết vào khoảng sau 12h đêm, vượt qua biên giới vào Quảng trị và Huế rồi vào Nam. Trong khi đó lực lượng chức năng còn mỏng, nên rất nhiều khó khăn…”
Tình hình buôn lậu tại một số tỉnh biên giới phía Bắc cũng phức tạp không kém. Có chung đường biên giới dài hơn 230 km với Trung Quốc, Lạng Sơn được xem là “điểm nóng” của hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Thắng Lợi, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, hơn 5 năm qua, tỉnh đã xử lý hơn 31.600 vụ, với số tiền phạt hơn 60 tỷ đồng. Nhưng con số này chưa nói hết diễn biến phức tạp của buôn lậu tại Lạng Sơn. Lực lượng chức năng có thời điểm phải dựng đến 30 điểm chốt chặn suốt ngày đêm dọc khắp tuyến biên giới, song công tác đấu tranh vẫn rất khó khăn, do các đối tượng tổ chức thành những đường dây chuyên nghiệp, đưa hàng qua các đường mòn, địa hình hiểm trở.
Trong khi đó, các chế tài xử lý chưa thực sự đủ mạnh. Ông Nguyễn Thắng Lợi đề xuất: “Theo quy định tại Điều 153 Bộ Luật Hình sự thì hành vi buôn bán buôn lậu qua biên giới từ 100 triệu đồng trở lên mới xử lý hình sự. Còn hàng hóa đối tượng mua lại để tiêu thụ, dù biết là hàng lậu nhưng vẫn chưa có chế tài xử lý hành vi này. Các chế tài xử lý hành vi này cần phải tăng cường và có chế tài xử lý hình sự với đối tượng và tổ chức cá nhân khi biết hàng hóa nhập lậu mà không có hóa đơn chứng từ vẫn mua kinh doanh thì phải xử lý. Như vậy mới đủ sức răn đe.”
Điều đáng nói là hiện nay, những quy định về quản lý và kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn lậu, hàng giả qua biên giới lại tồn tại nhiều bất cập. Không chỉ những quy định về sử dụng hóa đơn, chứng từ hàng hóa thiếu chặt chẽ, mà việc cấp và quản lý hóa đơn bán hàng của các ngành chức năng cho các hộ kinh doanh cũng còn lỏng lẻo và thiếu chế tài xử lý. Những điều này vô hình chung tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng tổ chức buôn lậu.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, đây cũng là những vấn đề cần rà soát, xem xét để có sự điều chỉnh kịp thời, để công tác chống buôn lậu đạt hiệu quả hơn. Trước mắt, từ nay đến cuối năm, Cục sẽ tập trung một số giải pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả. Trong đó, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm đối với mặt hàng trọng điểm…
Tuy nhiên, về lâu dài, để giải quyết căn cơ, triệt để tình trạng này, ông Trương Quang Hoài Nam, cho rằng: “Trước mắt, phải phát triển sản xuất trong nước thì những hàng phải nhập lậu vào sẽ giảm đáng kể. Những hàng hay nhập vào nông thôn bán đã giảm. Ngoài ra, cần hỗ trợ cư dân biên giới và tăng cường năng lực cơ quan thực thi chính sách, trong đó có quản lý thị trường”.
Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu còn diễn biến phức tạp. Mới đây, Chính phủ cũng đã yêu cầu các địa phương, bộ ngành liên quan tập trung lực lượng, biện pháp để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Đặc biệt là ngăn chặn nhập lậu các mặt hàng cấm, pháo các loại, đồ chơi kích động bạo lực, thuốc lá ngoại, rượu bia và xuất lậu xăng dầu, than, khoáng sản, gỗ…đồng thời, ngăn chặn tình trạng xuất khống mặt hàng có giá trị cao để trục lợi thông qua việc hoàn thuế…
Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp căn cơ, quyết liệt giải quyết tận gốc thì tình trạng buôn lậu, hàng giả còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn đến kinh tế cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng./.




(Theo VOV)

Theo cohoigiaothuong.com.vn