Cơ hội giao thương - Trong dịp trước và sau Tết Giáp Ngọ, giá cả hàng hóa trên địa bàn Hà Nội ổn định, không có sự tăng giá đột biến. Đây là kết quả của việc đẩy mạnh chương trình bình ổn giá, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng trên khắp địa bàn của thành phố Hà Nội.




Hà Nội đưa hàng Việt về các huyện ngoại thành.

Trong dịp trước và sau Tết Giáp Ngọ, giá cả hàng hóa trên địa bàn Hà Nội ổn định, không có sự tăng giá đột biến. Đây là kết quả của việc đẩy mạnh chương trình bình ổn giá, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng trên khắp địa bàn của thành phố Hà Nội.
Hàng hóa phong phú, giá cả ổn định
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trước, trong và sau Tết, thị trường có nguồn cung dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại, phong phú về bao bì đóng gói, đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Tất cả các nhóm hàng cơ bản giá ổn định, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây sốt giá. Một điều đáng mừng là dịp Tết Nguyên đán năm nay, giá các loại hàng hóa được giữ khá ổn định, không tăng đột biến như các năm trước. Các nhóm hàng thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như thịt lợn, thịt gà, thịt bò chỉ tăng nhẹ; riêng mặt hàng rau, củ do tình hình thời tiết thuận lợi, rau phát triển nhanh, năng suất tăng nên mặt bằng giá giảm khoảng 10% - 20%... Vào thời điểm cận Tết, lượng hàng hóa luân chuyển tại các chợ (đặc biệt là các chợ đầu mối), tăng 50- 60% so với những ngày thường trong năm.
Đối với mặt hàng rượu, bia, nước giải khát Tết khá dồi dào, tuy nhiên do nhu cầu của người dân tăng lên và các công ty tăng giá hàng tết nên giá bia Tết đắt hơn giá bia thường khoảng 30.000 - 35.000đồng/thùng. Tết Giáp Ngọ 2014, các công ty sản xuất, kinh doanh nhóm hàng rượu- bia- nước giải khát đã sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 180 triệu lít bia và trên 6 triệu lít rượu các loại (tăng khoảng 10% so với tết năm 2013). Sức tiêu thụ mặt hàng bánh mứt kẹo, giỏ quà tết tăng mạnh so với ngày thường (khoảng 30%), trong đó mức tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng cao hơn các mặt hàng nhập khẩu. Khoảng 28.950 tấn bánh, mứt, kẹo các loại đã được sản xuất và cung ứng ra thị trường (tăng 30% so với Tết 2013). Các làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội góp phần không nhỏ trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết của người dân với tổng giá trị hàng hóa ước tính trên 140 tỷ đồng.
Chương trình bình ổn giá phát huy tác dụng
Thị trường Hà Nội giá cả ổn định trong dịp Tết có sự đóng góp quan trọng của chương trình bình ổn giá. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trên địa bàn Hà Nội tập trung dự trữ đầy đủ các nhóm hàng thiết yếu đã cam kết, tương ứng với số vốn 318 tỷ đồng được UBND Thành phố cho tạm ứng, cụ thể: gạo trắng thường 5.500 tấn; thịt lợn 900 tấn; thịt gà, vịt 450 tấn; trứng gia cầm 6 triệu quả; rau, củ 2.000 tấn; thủy hải sản đông lạnh 300 tấn; dầu ăn 1,5 triệu lít. Một số doanh nghiệp còn sử dụng vốn riêng của mình tham gia chương trình bình ổn giá, đồng thời chủ động mở thêm điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ người dân thuận tiện mua bán.
Theo ông Lê Hồng Thăng– Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc đẩy mạnh triển khai chương trình bình ổn giá đã giúp hàng hóa trong và sau Tết Nguyên đán không có sự tăng giá đột biến. Trong dịp Tết Giáp Ngọ, các doanh nghiệp Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa đủ đáp ứng 30% nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Không chỉ làm tốt công tác bình ổn giá trong nội thành, để người dân các huyện ngoại thành, nhất là các xã miền núi được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng bình ổn giá, Sở Công Thương Hà Nội đã cùng các doanh nghiệp tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn.
Việc đưa hàng Việt, đặc biệt là hàng bình ổn giá về các huyện ngoại thành, các xã miền núi, khu công nghiệp, khu chế xuất đã giúp bà con nông dân, người lao động được mua hàng hóa đảm bảo chất lượng, và được thụ hưởng chương trình bình ổn giá của thành phố. Chị Bùi Thị Xuyến- 38 tuổi thôn Váo xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội chia sẻ, việc các doanh nghiệp đưa hàng bình ổn giá về làng quê miền núi đã giúp những nông dân nghèo như các chị có cơ hội được mua hàng chất lượng đảm bảo với giá hợp lý.
Công việc giám sát các điểm bình ổn giá của doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn của UBND Thành phố Hà Nội cũng được kiểm tra thường xuyên. Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra chặt chẽ các kênh phân phối, lưu thông và tiêu thụ cuối cùng, kiểm tra các hành vi vi phạm về giá và niêm yết giá tại điểm bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại; thường xuyên giám sát các điểm bình ổn giá của doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn của UBND TP. Hà Nội. Trong dịp Tết Nguyên đán, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 2.600 vụ, xử lý 2.470 vụ với tổng số thu gần 24 tỷ đồng.



Hạnh Ngọc Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn