Cơ hội giao thương - Tình trạng hơn một nghìn xe tải chở dưa hấu đang bị tắc nghẽn ở cửa khẩu Lạng Sơn khiến nông dân trồng dưa ở miền Trung và miền Nam cũng lo sợ vì giá bán giảm một nửa mà không có người mua.




Dưa hấu giá giảm một nửa, nông dân miền Tây chở ra quốc lộ 1A bán lấy công làm lời.

Tình trạng hơn một nghìn xe tải chở dưa hấu đang bị tắc nghẽn ở cửa khẩu Lạng Sơn khiến nông dân trồng dưa ở miền Trung và miền Nam cũng lo sợ vì giá bán giảm một nửa mà không có người mua.
Sau gần hai tuần, ngày 28/3, tình trạng xe tải xếp hàng dài gần 80 km chờ thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn tiếp tục diễn ra. Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện vẫn còn hơn 1.500 xe chở dưa hấu, thanh long ùn tắc. Cứ một km có một chốt công an đứng phân luồng để hạn chế ùn tắc. Tình trạng dồn ứ này ngay lập tức tác động lên bà con nông dân trồng dưa hấu ở nhiều địa phương.


Xe chở hoa quả dồn ứ nhiều km trên đường lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). <em style="">[/I]
Những ngày này, về các vùng quê tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, đến nơi đâu cũng nghe bà con nông dân than thở mùa dưa hấu cho năng suất cao nhưng giá rẻ mạt.
Ông Nguyễn Văn Anh ở xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ cho hay, vụ dưa năm nay ông trồng 10 sào dưa đạt hơn 20 tấn quả, thế nhưng khi thuê xe tải chở đến cửa khẩu Tân Thanh bán qua Trung Quốc thì bị ùn ứ. "Giá dưa chỉ 600 đồng một kg lại bị thương lái ép giá nên dù vụ này được mùa vẫn thua lỗ hàng chục triệu đồng", ông Anh nói.
Không bán được dưa cho thương lái chở đi Trung Quốc tiêu thụ, nhiều hộ nông dân mang đi bán lẻ ở các chợ hoặc chất đống dọc quốc lộ 1A bán để vớt vát lại vốn đầu tư.
Thương lái Trương Thị Phương Lan ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cho hay, chưa bao giờ dưa hấu lại chất "cao như núi" tại ruộng và giá rẻ mạt như hiện nay.
"Thấy bà con nông dân bán dưa như cho xót xa lắm, nhưng mình cũng lo lắng không biết mua rồi đưa đi bán ven quốc lộ 1A có được hay không. Trước đây, dưa hấu loại 1 trọng lượng từ 4 đến 8 kg bán cho thương lái Trung Quốc với giá 1.100 đồng mỗi kg, giờ thì họ không mua nữa", bà Lan thổ lộ.



Hai quả dưa nặng hơn chục kg nhưng giá bán ven QL1A ở thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) chỉ khoảng 20.000 đồng.
Thống kê của ngành nông nghiệp Bình Định, vụ dưa năm nay, nông dân trong tỉnh trồng hơn 500 ha dưa, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Trần Tôn ở huyện Tây Sơn (Bình Định) vừa trở về từ cửa khẩu Tân Thanh lắc đầu ngao ngán, chờ chực chở dưa hấu qua cửa khẩu để bán nhưng khi qua rồi lại bị thương lái ép giá chê đủ thứ. "Tức quá muốn đổ đi luôn để trở về, nhưng nghe nói vứt dưa hấu gây ô nhiễm môi trường bị phạt nặng nên đành phải bán rẻ để thoát cảnh dài cổ chờ đợi tốn kém thêm chi phí", ông Tôn bức xúc nói.
Cũng bị ép giá tương tự, ông Tư Bồn ở Bình Định cho biết: “Dưa của tôi thuộc loại quả to, tròn, chắc, không dập, thế nhưng sang đến chợ Pò Chài, họ chê bai đủ điều, rồi lại phân ra mấy thứ hạng với giá tụt dần. Đã sang đất họ rồi, không bán không được, đổ dưa thì họ phạt nặng".
Tại Phú Yên, bà con nông dân trồng dưa hấu cũng đang "dở khóc, dở mếu" vì giá dưa giảm gần 50% so với những năm trước.
Ông Lê Văn Thành ở huyện Đồng Xuân nhẩm tính, gia đình ông chi hơn 160 triệu đồng để trồng 1,5 ha dưa, sản lượng khoảng 45 tấn. Với giá dưa bán tại ruộng chưa đến 1.000 đồng một kg, ông chịu lỗ 100 triệu đồng.
"Đầu vụ nhiều thương lái ở tỉnh Bình Định vào đây mua dưa hấu xuất đi Trung Quốc nhưng suốt cả tuần qua không thấy họ lấy hàng nữa. Gặng hỏi thì các thương lái bảo phía Trung Quốc không mua nữa", ông Thành lo lắng.
Không đến nỗi "bi đát" như nông dân miền Trung, nhưng người trồng dưa hấu miền Tây cũng đang đứng trước cảnh được mùa mất giá.
Dọc theo quốc lộ 1A từ huyện Giá Rai của tỉnh Bạc Liêu đến huyện Thạnh Trị, Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang)… những ngày này có hàng chục vựa dưa hấu bán với giá chỉ bằng một nửa so với trước Tết. Mỗi điểm bán dưa trung bình vài nghìn trái vừa được nông dân thu hoạch.
Bà Đồ Thị Liên ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cùng con gái mang hàng nghìn trái dưa hấu sang địa bàn giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu để "cắm trại" 4 ngày. Năm nay gia đình nông dân này thuê 3 công đất ruộng (3.000m2) với giá 9 triệu đồng trồng dưa hấu vì trước Tết thấy loại nông sản này bán được giá gần 5.000 đồng một kg (tại rẫy).
"Mấy ngày trước thương lái hỏi mua với giá chỉ 2.400 đồng một kg, loại nhỏ trái 1.200 đồng một kg. Với giá này, trừ chi phí xong sẽ không thu hồi đủ vốn nên mẹ con tôi chịu khó thuê xe tải chở ra quốc lộ bán lẻ lấy công làm lời", bà Liên nói và cho biết nhiều rẫy dưa gần nơi bà trồng không bán được vì tư thương chê trái xấu, không mua dù giá giảm một nửa so với vụ trước.
Tại xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, ông Ba Rết trồng 3 công dưa hấu thu hoạch được khoảng 5 tấn, trong đó 1/3 dưa loại 2. Buổi sáng, vựa ở thành phố Sóc Trăng đến hỏi mua giá 3.000 đồng một kg, nông dân này bấm máy cộng hết tiền vốn thấy lỗ gần 4 triệu đồng nên kêu con trai chở hết về trước nhà che lều bán lẻ ven quốc lộ với giá 5.000 đồng một kg.
"Trước Tết vựa mua 4.300 đồng một kg, bán lẻ được 8.000 đồng. Vụ này dưa hấu dội chợ vì quá nhiều người thu hoạch cùng lúc", ông Rết nhận định.
Trong khi đó, nông dân ở huyện Thạnh Phú, Bến Tre cho biết, trong ngày 28/3 giá bán dưa hấu tại vườn cũng chỉ còn 2.400 đồng một kg, nhưng các lái dưa đường dài đem ra Bắc đã bắt đầu ngưng thu mua.
Trước tình thế quá khó khăn của nông dân trồng dưa, Siêu thị Co.op Mart Tuy Hòa (Phú Yên) đã bắt đầu liên kết với các siêu thị trong khu vực miền Trung để giúp tiêu thụ dưa hấu. Hiện tại các đầu mối chi nhánh Siêu thị Co.op Mart ở 12 tỉnh, thành miền Trung từ Phan Thiết đến Hà Tĩnh đã ký kết tiêu thụ từ 15 đến 20 tấn dưa, có đơn vị lên đến 30 tấn.
Theo bà Nguyễn Bích Ly, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, việc siêu thị thu mua dưa của nông dân Phú Yên không chỉ tạo điều kiện để người tiêu dùng trong tỉnh tiếp cận với hàng địa phương giá rẻ, mà còn hỗ trợ đầu ra cho người trồng.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Ca, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi cho biết thêm, hiện tại chi nhánh siêu thị Quảng Ngãi mới chỉ tiêu thụ dưa hấu ở Phú Yên đưa ra khi ký hợp đồng đầu tiên mua 10 tấn dưa hấu của bà con nông dân tỉnh này với giá 2.000 đồng mỗi kg.
"Chúng tôi đang có nhu cầu tiêu thụ loại nông sản này đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong mùa hè, tuy nhiên muốn đưa dưa hấu vào siêu thị phải tuân thủ nhiều thủ tục nghiêm ngặt như phải có doanh nghiệp làm đầu mối thu mua, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan y tế...", ông Ca nhấn mạnh.
Ông Võ Việt Chính, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi lý giải, do người dân không tuân thủ quy hoạch, tự phát trồng dưa ồ ạt chạy theo thị trường nên lâm vào tình cảnh "được mùa, mất giá". Hiện tại mỗi sào dưa (500 m2) ở các tỉnh miền Trung đạt năng suất cao khoảng 3-4 tấn.
Trong khi đó, bà Đặng Thị Ngân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết, trước mắt để giúp thương nhân nhanh chóng xuất được hàng qua cửa khẩu, đơn vị đã phải chia ca và bố trí người làm việc từ 7h đến gần 22h. Đối với thủ tục thông quan, nếu đầy đủ giấy tờ chỉ mất 2 phút một xe, nhờ vậy đã giảm được phần nào lượng hàng ùn ứ. Tuy nhiên, do lượng xe tồn đọng quá nhiều mà năng lực kho bãi phía Trung Quốc hạn chế nên mỗi ngày chỉ giải quyết được 300 xe qua cửa khẩu, vì vậy chưa thể giải tỏa được tình trạng ùn tắc trong một vài ngày tới.
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã cử đoàn công tác sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đàm phán, đề nghị cho Việt Nam được xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc bằng nhiều cửa khẩu của tỉnh, như Cốc Nam (huyện Văn Lãng), Chi Ma (huyện Lộc Bình), Bình Nghi, Nà Nưa (Tràng Định)… chứ không chỉ qua duy nhất cửa khẩu Tân Thanh như hiện nay.


(Theo VnExpress)

Theo cohoigiaothuong.com.vn