Cơ hội giao thương - Công tác chống hàng giả không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự tham một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.




Ông Đỗ Thanh Lam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương): doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với lực lượng quản lý thị trường trong công tác chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Công tác chống hàng giả không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự tham một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Đó là ý kiến của ông Đỗ Thanh Lam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tại Hội thảo "Doanh nghiệp đồng hành với Quản lý thị trường trong công tác chống hàng giả" do Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương phối hợp với MUTRAP tổ chức sáng 22/4/2014 tại Hà Nội.
Theo Cục Quản lý thị trường, mỗi năm lực lượng này xử phạt hàng trăm ngàn vụ liên quan đến hàng giả, hàng nhái. Riêng quý I/2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra gần 40.000 vụ, xử lý trên 25.000 vụ, với tổng số tiền phạt lên đến 70 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với thực tế đang diễn ra. số vụ vi phạm ngày càng gia tăng và tinh vi. Lý giải điều này, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả của công tác chống hàng giả, hàng nhái thời gian qua là do có không ít những doanh nghiệp ở Việt Nam chưa quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, áp dụng các biện pháp về mặt pháp lý đến kỹ thuật để bảo vệ thương hiệu, chống lại hàng giả, hàng nhái.
Theo quy định của pháp luật, để xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (hàng giả), nhất thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp chủ sở hữu quyền, vì doanh nghiệp có đủ căn cứ pháp lý bảo hộ quyền của mình, có đủ căn cứ xác định vi phạm quyền và đề nghị xử lý xâm phạm, xác nhận hàng hóa xâm phạm khi cơ quan chức năng bắt giữ. Nếu doanh nghiệp bất hợp tác, cơ quan chức năng rất khó khăn để chống hàng giả.
Tthống kê của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, trong năm 2013, số doanh nghiệp Việt Nam đề nghị thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ vỏn vẹn 106 doanh nghiệp, trong khi hiện nay ở nước ta có hơn 3,5 triệu doanh nghiệp. Con số này quả thật quá nhỏ bé. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề sở hữu trí tuệ và việc bảo vệ thương hiệu của chính mình.
Ông Đỗ Thanh Lam cho rằng, việc chống hàng giả đòi hỏi phải triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với lực lượng quản lý thị trường trong công tác chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Ông Đỗ Thanh Lam đề nghị các doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách về bảo vệ quyền SHTT hoặc có đại diện SHTT của doanh nghiệp mình; cần xây dựng chiến lược về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan thực thi trong công tác chống hàng giả… Về phía Cục Quản lý thị trường sẽ sẵn sàng tạo điều kiện để các DN tham gia vào quá trình điều tra, xử lý của Quản lý thị trường khi cần thiết để rút ngắn thời gian và tăng cường hiệu quả điều tra, xử lý các vi phạm về hàng giả, quyền SHTT”, ông Lam nhấn mạnh.
Hội thảo “Doanh nghiệp đồng hành cùng quản lý thị trường trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” nằm trong khuôn khổ dự án "Hỗ trợ chính sách thương mại & Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP)" do Liên minh châu Âu tài trợ Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận và tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp giữa cơ quan thực thi và doanh nghiệp, đề cao vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao ý thức tự bảo vệ hàng hóa, tài sản trí tuệ của mình, tăng cường hiệu quả của cuộc đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT trong thời gian tới.
Lê Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn