Cơ hội giao thương - Thay vì được mua sữa với giá rẻ hơn, người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận chi trả với mức giá cao hơn bởi những chiêu lách luật tinh vi…






Thay vì được mua sữa với giá rẻ hơn, người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận chi trả với mức giá cao hơn bởi những chiêu lách luật tinh vi…
Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về áp trần giá sữa có hiệu lực từ ngày 1/6/2014 nhưng giá bán buôn được áp dụng sau 10 ngày (tức ngày 11/6/2014), còn giá bán lẻ được áp dụng sau 20 ngày (tức ngày 21/6/2014). Những ngày trước tháng 6/2014, thị trường đã đón nhận những tín hiệu tích cực từ một số doanh nghiệp kinh doanh sữa. Đi đầu trong việc thực hiện quyết định này của Bộ Tài chính là Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A Việt Nam.
Thông tin phản hồi từ một số cửa hàng, đại lý kinh doanh sữa lớn trên địa bàn Hà Nội, Công ty này đã thông báo tới các khác hàng việc áp dụng đơn giá theo cách tính giá trần mới cho những đơn hàng nhập từ ngày 28/5. Trước đó, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A Việt Nam cũng đã có động thái tích cực, khẩn trương triển khai nhập hết số hàng còn tồn từ các đại lý lớn để tính được mức giá đền bù chênh lệch, từ đó có mức giá bán phù hợp cho người tiêu dùng.
Trước đó, ngày 22/5, trong thư ngỏ gửi tới các khách hàng, đối tác và đại lý lớn, Giám đốc tiếp thị thương mại Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam - Nguyễn Gia Anh Vũ – cho biết: “Công ty hiện đang khẩn trương xem lại tất cả các hoạt động liên quan đến việc áp trần này và sẽ có thông báo chi tiết sớm cho các đối tác kinh doanh và người tiêu dùng”. Công ty cũng đề nghị các đối tác, đại lý tiếp tục duy trì việc bán hàng bình thường cho đến khi có thông báo chi tiết, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Trước những động thái này, người tiêu dùng khấp khởi hy vọng sẽ được bảo vệ quyền lợi, cắt giảm chi tiêu khi mua các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Nhưng đi sâu tìm hiểu, vẫn còn tồn tại không ít vấn đề. Những nghi ngại của người tiêu dùng không phải là không có cơ sở, bởi lẽ, những mặt hàng được trông đợi giảm giá nhiều nhất, như dòng sản phẩm sữa Pediasure dành cho trẻ nhẹ cân biếng ăn độ tuổi từ 1- 10, lại không hề bị áp giá trần. Trên thực tế, đây là một trong những mặt hàng bị tăng giá thường xuyên, đều đặn qua các năm.
Với mức tăng từ 7 – 10%, mỗi lần tăng giá là một lần người tiêu dùng phải chi trả thêm gần 50.000 đồng/hộp. Hy vọng của người tiêu dùng bị dập tắt bởi văn bản của Cục An toàn thực phẩm giải thích rằng, sản phẩm PediaSure cho trẻ 1 - 10 tuổi là sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng có thể dùng qua ống xông cho bệnh nhân, thành phần không chứa sữa và không phải là sản phẩm dinh dưỡng công thức theo các tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành, nên không thuộc danh mục sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải bình ổn giá theo Thông tư 30/2013/TT-BYT. Điều này đồng nghĩa sản phẩm này không phải kê khai giá với Cục Quản lý giá.
Bất ngờ hơn nữa, người tiêu dùng (và cả cơ quan quản lý?) đã bị một “cú lừa ngoạn mục”, bởi điểm lại trong danh mục 25 sản phẩm sữa buộc áp giá trần lần này, có tới 5 sản phẩm sữa ngoại nhập không còn tiếp tục lưu hành trên thị trường trong thời gian tới. Thậm chí, ngay những ngày trước thời điểm 1/6, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam cũng đã thông báo hết hàng với toàn bộ các sản phẩm của công ty trong danh mục áp trần. Các sản phẩm Enfamil A+1, 2; Enfagrow A+3 đều được thay thế bằng dòng sản phẩm tương tự, nhưng có tên mới là Enfamil A+1 3600 (độ) Brain Plus, hay Enfamil A+2 360* (độ) Brain Plus, Enfagrow A+3 360* (độ) Brain Plus...
Như vậy, thay vì được cắt giảm chi tiêu, người tiêu dùng đã phải chi thêm một khoảng tiền không nhỏ. Đơn cử, dòng sản phẩm Enfa cho trẻ từ 1 – 3 tuổi trọng lượng 1,8kg mẫu cũ đã không còn để bán ra, mẫu mới người tiêu dùng phải trả thêm tới 75.000 đồng/hộp.
Đến thời điểm này, có thể thấy, quyết định áp trần giá sữa của Bộ Tài chính về cơ bản vẫn không giải quyết được những bức xúc của người tiêu dùng. Đó là việc giá bán lẻ sữa trên thị trường vẫn quá cao, với mỗi ly sữa cho trẻ đều phải gánh thêm khoản chi vào hoa hồng bác sĩ, chiết khấu đại lý và những chiến dịch quảng cáo rầm rộ.
Hiện nay, với mức giá bán chỉ bằng gần một nửa giá sữa ngoại, mặc dù các chỉ tiêu chất lượng tương đương, nhưng cũng bị áp giá trần, đã gây khó cho các doanh nghiệp sữa nội trong nước phát triển.
Hoàng Hải

Theo cohoigiaothuong.com.vn