Cơ hội giao thương - Một kg giun tươi được mua tại chỗ giá 50.000 đồng, giun khô giá 800.000 đồng. Mỗi ngày bình quân một “thợ săn” tại Quảng Điền (Huế) kiếm được trên chục kg.


Một kg giun tươi được mua tại chỗ giá 50.000 đồng, giun khô giá 800.000 đồng. Mỗi ngày bình quân một “thợ săn” tại Quảng Điền (Huế) kiếm được trên chục kg.
Giữa cái nắng tháng 6 như đổ lửa, vùng nuôi tôm tại thôn 4, xã Quảng Công (Quảng Điền, Huế) nhộn nhịp hẳn lên bởi đội quân săn địa sâm (dân địa phương gọi là giun biển). Họ là những thợ săn giun đến từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Hơn một tuần nay, tốp thợ thuê một nhà kho của cơ sở nuôi trồng thủy sản cũ ở thôn 4 để ở, càn quét săn lùng giun biển từ huyện Phú Vang ra Hương Trà, Quảng Điền và ra cả Quảng Trị.


Đào giun biển, để lại hố trên bãi bồi, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản.

Anh Nguyễn Ngọc Hơn (trú xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) cho biết làm nghề này đã hơn chục năm nay. Trước đây, anh khai thác nhiều ở đầm Thị Nại, gần đây do lượng người bắt giun biển ngày một đông, hàng khan hiếm dần nên anh cùng những người trong xã ra Thừa Thiên Huế để tìm bắt. Có cả thương lái đi theo thu mua, đưa ra các tỉnh phía Bắc để bán sang Trung Quốc.
Cũng theo anh Hơn, mùa săn giun biển một năm chỉ tiến hành từ tháng 4 đến tháng 8, khi mực nước triều hạ, lộ ra những vùng cát bãi bồi ven cửa phá, cửa biển. Mỗi kg giun tươi thương lái thu mua tại chỗ giá 50.000 đồng. Bình quân một ngày, người thợ săn kiếm được trên chục kg. Có gia đình đi cả nhà ra Huế làm nghề này, kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Dụng cụ bắt chủ yếu là cây thuổng bằng sắt. Người bắt chỉ nhìn lỗ trên vũng bùn, đoán hang của loài giun biển sau đó đào. Công đoạn đào diễn ra rất nhanh, nếu đào chậm giun biển sẽ luồn mất. Buổi trưa, triều hạ (nước rặt), vùng nuôi tôm cao triều tại thôn 4, xã Quảng Công hiện ra bãi bồi rộng mênh mông. Hơn 30 người tay cầm thuổng, giỏ xách ra quần thảo trên bãi bùn, cứ mỗi con giun biển được kéo lên khỏi hang, để lại cả một hố nham nhở bùn cát.
Ông Đào Văn Sáu, một người đi theo nhóm thợ săn cho biết, trước đây khi mới ra vùng phá ven huyện Quảng Điền, giun biển nhiều vô kể, chỉ đánh bắt trong cỡ vài tiếng là được vài chục cân. Giờ thì ít hơn do người bắt nhiều quá. Dân địa phương ở đây thấy bán được giá cũng có người theo học nghề này.
Có mặt tại vùng bãi bồi thôn 4 để chờ thu mua giun biển, bà Trần Thị Lệ cho hay, không biết phía thương lái Trung Quốc thu mua loài này để làm gì nhưng vài tháng gần đây họ mua rất nhiều. Nhiều người dân ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam cũng đổ xô bắt loài này bán dưới dạng cân tươi hoặc khô cho thương lái Trung Quốc.
Với đội quân 30 người tại xã Quảng Công, mỗi ngày chị Lệ thu mua được 2-3 tạ để đưa ra các tỉnh phía Bắc. “Cứ 14,5kg giun tươi mới được một kg giun khô, giá 800.000 đồng. Thu mua xong phải phơi hoặc qua công đoạn sấy. Nếu siêng bắt mỗi người kiếm được tiền triệu mỗi ngày”, chị Lệ khẳng định.


Giun biển khô có giá 800.000 đồng một kg. <em style="">[/I]
Tại các địa phương như Phú Diên, Phú Hải (huyện Phú Vang), Lăng Cô (huyện Phú Lộc) cũng có đội quân vài chục người tham gia khai thác giun biển.
Ông Nguyễn Đính, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, tình trạng người dân các vùng khác đổ về địa phương để tìm bắt giun biển diễn ra trong thời gian nửa tháng nay, làm bà con nuôi trồng thủy sản cao triều ở đây rất lo lắng. Phía xã đã cho người xuống kiểm tra, trước mắt đã làm thủ tục tạm trú cho những người này để quản lý.
Bà Lê Thị Mẫn- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hải cũng cho hay, đến nay phía xã vẫn chưa nắm được số lượng người ở những nơi khác về vùng ven phá để đào bắt loài giun biển. Tuy nhiên, ở các vùng bãi bồi này rất gần với vùng nuôi tôm cao triều vốn “nhạy cảm”, nếu đào sâu, ồ ạt chắc chắn ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản. Thời gian tới địa phương sẽ cho kiểm tra, xử lý vấn đề này.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Thừa Thiên Huế cho biết: “Vùng Quảng Điền là vùng phân bố khá lớn loài giun biển. Việc khai thác ồ ạt, số lượng lớn và tự phát như vậy sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên đất, nước cũng như đa dạng sinh học. Đó là chưa nói đến có thể gây xung đột vì lợi ích kinh tế của người dân địa phương với người vùng khác đến khai thác”.


(Theo VnExpress)

Theo cohoigiaothuong.com.vn