Cơ hội giao thương - Cuối năm là dịp các đối tượng buôn lậu tăng cường hoạt động để thu lời bất chính. Do vậy, đây là thời điểm mà các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ để đấu tranh có hiệu quả các hành vi buôn lậu.




Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra đồ chơi Trung Quốc độc hại.

Cuối năm là dịp các đối tượng buôn lậu tăng cường hoạt động để thu lời bất chính. Do vậy, đây là thời điểm mà các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ để đấu tranh có hiệu quả các hành vi buôn lậu.
Báo cáo công tác Chống buôn lậu 8 tháng đầu năm 2014 của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội tại Hội nghị giao ban triển khai công tác "Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2014" do Ban chỉ đạo Chống buôn lậu và gian lận thành phố Hà Nội tổ chức chiều 10/9 cho thấy, tình hình buôn lậu trên địa bàn Hà Nội tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước, song vẫn diễn ra rất phức tạp. Hiện vẫn tồn tại nhiều đường dây, ổ nhóm cấu kết chặt chẽ từ biên giới và trong nội địa để làm ăn phi pháp.
Theo ông Chu Xuân Kiên- Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, công tác đấu tranh chống buôn lậu trên địa bàn Thủ đô hết sức phức tạp, do Hà Nội vừa là nơi tiêu thụ, vừa là nơi trung chuyển hàng nhập lậu, chủ yếu từ tuyến Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai về Hà Nội tiêu thụ hoặc trung chuyển vào phía Nam qua đường sắt hàng không, bưu điện.
Phương thức thủ đoạn cũng không có gì mới, chủ yếu là gom hàng tại biên giới, hợp thức hóa bằng chứng từ mua bán nội địa, hạ thấp giá mua bán, dùng hóa đơn quay vòng để buôn hàng lậu. Ông Nguyễn Duy Ngọc- Phó Giám đốc Công an Hà Nội, các đối tượng buôn lậu dùng một chứng từ chung cho nhiều xe đi các địa bàn khác nhau. Do vậy, nếu không có sự phối hợp của Trung ương và các địa phương thì không thể chống được buôn lậu. Bởi vậy, để xử lý được triệt để buôn lậu thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chống buôn lậu, và giữa các địa phương.
Đặc biệt, hàng giả mạo xuất xứ tăng rõ rệt, kể cả hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam, tập trung vào các mặt hàng: dệt may, bóng đèn, săm lốp, đồ gia dụng. Đáng chú ý là hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Đã xuất hiện thủ đoạn đặt các nhãn hiệu hàng hóa mà các chủ sở hữu ít đề nghị xử lý nên lực lượng chức năng rất khó trong công tác thực thi.
Để kiểm soát tốt thị trường trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Ngọc Tuấn- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng BCĐ 389 TP. Hà Nội yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo và Ban Chỉ đạo 389 các quận huyện, thị xã tích cực triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đó là tiếp tục công tác điều tra cơ bản, nắm bắt tình hình thị trường, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng ở Trung ương và các tỉnh biên giới phía Bắc; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chống buôn lậu.
Trước đó, tại buổi làm việc với thành phố Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tổ chức sáng 14/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Trưởng ban chỉ đạo 389 Trung ương) đã nêu rõ, công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của toàn hệ thống chính trị và toàn quân. Phó Thủ tướng yêu cầu, Thủ đô phải làm gương cho cả nước trong công tác chống buôn lậu.
Trong 8 tháng đầu năm 2014, lực lượng chống buôn lậu thành phố Hà Nội đã kiểm tra 27.061 vụ; trong đó xử lý: 10.609 vụ; khởi tố hình sự 31 vụ đối với 34 bị can. Tổng số tiền phạt hành chính, thu ngân sách, tịch thu hàng hóa: 1.292,5 tỷ đồng đạt 110% so với cùng kỳ năm 2013.


Lê Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn