Cơ hội giao thương - Theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt do Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 165/2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), Việt Nam cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế còn 0% (trước đó là 5%) theo cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2015 - 2018.






Theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt do Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 165/2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), Việt Nam cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế còn 0% (trước đó là 5%) theo cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2015 - 2018.
Người tiêu dùng thì mừng vì mua được hàng hóa nhập khẩu với giá rẻ hơn, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước.
Hàng hóa ASEAN sẽ tràn ngập

Dọc tuyến phố Chùa Bộc đến Thái Hà, có tới gần chục điểm bán các loại hàng hóa chủ yếu có nguồn gốc từ các nước ASEAN với hàng ngàn sản phẩm đa dạng, phong phú từ quần áo may sẵn, giày dép, hóa mỹ phẩm, bánh kẹo, thực phẩm, điện lạnh... cho đến cây kim, sợi chỉ, kẹp và dây buộc tóc, đồng hồ đeo tay… Hàng tiêu dùng từ khối ASEAN đang dần trở thành sự lựa chọn của không ít người tiêu dùng Hà Nội.
Trong một, hai năm trở lại đây, các cửa hàng, đại lý chuyên kinh doanh hàng xuất xứ Thái Lan hay các nước Đông Nam Á xuất hiện khá nhiều ở khu vực nội thành Hà Nội. Chiếc bánh thị phần bắt đầu phải chia nhỏ, việc này đồng nghĩa với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Gần đây nhất là sự kiện Metro nhượng lại cho một tập đoàn từ Thái Lan, nhiều DN lo ngại thông qua hệ thống Metro, hàng hóa xuất xứ từ Thái Lan sẽ tràn vào nhiều hơn nữa.
Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc Quan hệ công chúng của hệ thống siêu thị Big C cho hay: “Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay khá hấp dẫn các nhà đầu tư trong khối ASEAN. Mới đây nhất, Tập đoàn Berli Jucker của Thái Lan đã mua lại các trung tâm mua sắm của Metro. Sắp tới, hàng hóa của ASEAN sẽ tràn ngập Việt Nam. Để chuẩn bị cho sự kiện này, Big C đã nâng cao khả năng cạnh tranh bằng cách đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng hơn khâu phục vụ để khách hàng hài lòng, và chuẩn bị nguồn hàng hóa thật đa dạng”. Ông Nguyên cũng cho biết thêm, Big C luôn ưu tiên cho hàng trong nước, nhưng để nắm ưu thế, các DN Việt Nam phải chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện mẫu mã và hạ giá thành.

Chủ động nhưng doanh nghiệp vẫn lo

Việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành vào năm 2015 tạo điều kiện cho các tập đoàn lớn từ các nước Đông Nam Á mở rộng thị trường tại Việt Nam. DN của một số ngành hàng trong nước dù đã biết trước và có sự chuẩn bị nhưng vẫn lo sẽ thua ngay trên sân nhà, cụ thể như ngành đường. Hiện nay, so về giá thành sản xuất thì đường của Thái Lan và một số nước trong khối ASEAN rẻ hơn nhiều so với Việt Nam. Đơn cử như Thái Lan, năng suất mía của nước này từ 100 - 150 tấn/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần Việt Nam.
Tại cuộc họp cổ đông mới đây, ông Nguyễn Giỏ - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Mía đường La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Muốn cạnh tranh nổi với đường Thái Lan, DN chỉ có cách đẩy cao năng suất, chữ đường trong mía. Riêng ngành đường không thể làm được, vì mía muốn có năng suất, chất lượng cao phải có nước, muốn có nước phải có hệ thống thủy lợi. DN không đủ khả năng đầu tư hệ thống thủy lợi cho nông dân”. Và dù biết trước, nhưng ngành mía đường Việt Nam khó chủ động đột phá, tăng sức cạnh tranh với đường Thái Lan.
Giám đốc một công ty nhựa có cơ sở sản xuất ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã đi khảo sát các mặt hàng bằng nhựa cùng loại, không hiểu sao giá bán của họ lại rẻ đến thế. Nếu sản xuất, chúng tôi chỉ có nước bán dưới giá thành thì mới có thể cạnh tranh được! Để “sống chung với hàng ngoại”, chúng tôi đã tìm lối đi riêng, bằng cách đầu tư thiết bị, dây chuyền hiện đại để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đồng thời liên tục thay đổi mẫu mã”.

Nhiều chuyên gia nhận định, khu vực Đông Nam Á hiện có thể coi là cái rốn của việc sản xuất may mặc với Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Tuy nhiên, theo ông Thân Đức Việt - Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10, các DN dệt may Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng hết cơ hội từ ưu đãi thuế quan do ngành may mặc nói chung và May 10 nói riêng hiện vẫn NK đến 90% nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Trong khi muốn được hưởng ưu đãi về thuế quan cần phải đáp ứng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa trong ASEAN ít nhất là 40%.

“May 10 nói riêng và các DN dệt may trong nước đang kỳ vọng vào chính sách tới đây của Chính phủ để hình thành được các chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào xuất xứ ASEAN nhằm tận dụng hết các lợi thế do ATIGA đem lại" - ông Việt cho biết.


(Theo KTĐT)

Theo cohoigiaothuong.com.vn