Cơ hội giao thương - Hàng hóa tại phiên chợ Việt chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu, do các doanh nghiệp trong nước uy tín sản xuất, đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng của bà con ngoại thành.




Phiên chợ hàng Việt tạo không khí mua sắm rộn ràng tại xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Hàng hóa tại phiên chợ Việt chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu, do các doanh nghiệp trong nước uy tín sản xuất, đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng của bà con ngoại thành.
Đó là nhận xét của đông đảo người dân các huyện ngoại thành Hà Nội đối với các phiên chợ hàng Việt do Sở Công Thương phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức.
Những ngày giữa tháng 11/2014, trời đã vào đông với gió heo may se lạnh. Men theo đường quốc lộ 1 cũ, đi hơn 40km từ nội đô, chúng tôi đến xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội có 5 thôn và 1 xóm với gần 10 ngàn dân. Xã có 1 chợ là chợ Bìm, là nơi để người dân trao đổi, buôn bán hàng hoá. Người dân trong xã chủ yếu sống bằng nông nghiệp, ngoài ra còn có các nghề thủ công, một số người làm nghề buôn bán nhỏ,... Xã có đàn gia súc gia cầm khá lớn, và được biết đến như là một trong những trung tâm ấp trứng vịt, giết mổ trâu bò lớn trong huyện Phú Xuyên. Tại sân của trụ sở UBND xã Tri Thủy, một dãy gian hàng Việt được dựng lên khá hoành tráng. Chúng tôi thấy rất đông người dân địa phương đến tham quan mua sắm. Có cả nhiều em học sinh cũng đến phiên chợ tham quan, bởi đây là ngày cuối tuần, các em được nghỉ học.

Phiên chợ hàng Việt tại xã Tri Thủy lần này do Trung tâm thương mại Vân Hồ thuộc Công ty thực phẩm Hà Nội- đơn vị thành viên của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức đã tạo được không khí mua sắm rộn ràng tại một xã vốn thuần nông này.

Anh Nguyễn Văn Hiển- 30 tuổi, cán bộ văn phòng UBND xã Tri Thủy- cho chúng tôi biết, mặc dù là đàn ông, vốn không phải nhiệm vụ mua sắm cho gia đình, nhưng, mỗi khi có phiên chợ hàng Việt về xã, anh đều cùng vợ con ra mua sắm. Bởi theo anh, các phiên chợ hàng Việt do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức đều mang về những đồ dùng thiết yếu chất lượng đảm bảo, đặc biệt là giá rất hợp lý. Mua hàng về lần nào anh cũng được vợ khen là khéo mua- anh Hiền tủm tỉm chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Tư- 42 tuổi, ở tại thôn Vĩnh Ninh, thì cho biết, bình thường chị hay mua hàng tại mấy cửa hàng đại lý. Có phiên chợ Việt về xã, chị phải tranh thủ đến mua ngay các đồ dùng thiết yếu cho gia đình như: thực phẩm, nước mắm, dầu ăn, bột giặt, nhựa gia dụng… Chị Tư cho hay, hiện nay, đời sống người dân trong xã đã được nâng cao nên nhu cầu tiêu dùng khá lớn, đặc biệt, người dân trong xã đã quan tâm đến chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, không ham hàng giá rẻ của Trung Quốc. Chị Tư bày tỏ mong muốn, Thành phố tổ chức nhiều hơn những phiên chợ hàng Việt như thế này, để chị cũng như bà con trong xã mua được hàng hóa chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.

Phiên chợ Việt tại xã Tri Thủy lần này có tới gần 3.000 mặt hàng, tập trung chủ yếu vào ngành hàng thực phẩm. Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan- quyền giám đốc Trung tâm thương mại Vân Hồ- đơn vị trực tiếp tổ chức phiên chợ hàng Việt- cho biết, là một đơn vị thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội- đơn vị chủ công của thành phố Hà Nội trong việc đưa hàng về nông thôn, các chị đã có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này.

Chị Lan chia sẻ, để thu hút được bà con địa phương đến mua sắm, các chị đã tổ chức khảo sát nhu cầu tiêu dùng của người dân từng nơi các chị đến tổ chức phiên chợ hàng Việt. Tại phiên chợ hàng Việt lần này, các chị mang đến 100% là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trong đó, có mặt hàng do Công ty Thực phẩm Hà Nội tự sản xuất như dấm ăn, và nhiều mặt hàng do Tổng công ty Hapro sản xuất và phân phối.

Bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội:

Nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của người dân các huyện ngoại thành, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn phải nghiên cứu tâm lý tiêu dùng của bà con, đưa đúng những loại hàng hóa phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân nông thôn.



Lê Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn