Cơ hội giao thương - Người bán chưa tấp nập khiến giá cả tăng mạnh trong những ngày đầu tiên chợ họp sau Tết Âm lịch.


Người bán chưa tấp nập khiến giá cả tăng mạnh trong những ngày đầu tiên chợ họp sau Tết Âm lịch.

Mồng 5 Tết tại Hà Nội, các khu chợ vẫn thưa thớt người bán. Chợ Nghĩa Tân, một trong hai chợ lớn nhất quận Cầu Giấy ngày thường đông đúc cả khu vực trong và ngoài chợ, nay lượng người bán chỉ bằng một phần nhỏ. Cứ 3, 4 quầy cạnh nhau mới có một hàng bán.
Chị Ngô Thị Hà, một người bán gà cho biết số gà nhà chị còn tồn từ trước Tết, nay mang đi bán sớm để thu lại vốn. Ở dãy chợ nơi chị ngồi, lác đác một vài người bán gà, bán rau. Còn lại phần lớn những người bạn hàng quen cùng dãy chưa xuất hiện.
Chợ Thành Công cũng trong cảnh thưa vắng tương tự. Đông nhất là những người bán rau. Ít nhất là quầy bán thịt, cá, tôm các loại. Ở quầy rau, tuy đa dạng nhưng nhiều loại củ, quả là hàng tồn từ trước Tết. "Tất cả rau xanh đều là hàng mới lấy. Còn dứa, cà tím, khoai tây này là hàng cũ nên bán rẻ", chị Hoài, một người bán rau ở chợ Thành Công cho biết.


Chợ Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày Mồng 5 Tết Âm lịch chủ yếu là hàng bán rau.
Tại các khu chợ chính tại khu vực Hà Nội cho thấy hầu hết các loại rau xanh đều lên giá so với bình thường. Dù người mua không nhiều trong trưa và chiều Mồng 5 Tết, người bán còn ít hơn, cung ít hơn cầu nên giá cả tăng nhiệt.
Tại chợ Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm, rau muống tăng từ 8.000 đồng trước Tết lên 10.000 đồng mỗi bó. Rau cần trước khoảng 5.000 đến 7.000 đồng, đến trưa qua được bán với giá 12.000 đồng. Su hào 3.000 đến 4.000 đồng mỗi củ so với trước có lúc 10.000 đồng mua được 5 củ. Cải ngọt được khá nhiều người hỏi mua, giá tăng khá mạnh lên 24.000 đồng một kg. Lý giải thêm về nguyên nhân giá tăng, một người bán hàng cho biết ở giá nhập từ chợ đầu mối đắt hơn trước, một số loại rau như rau muống, cải ngọt ít hàng.
Tại chợ Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), giá súp lơ loại nhỏ tăng nhẹ từ 10.000 đến 12.000 đồng, đến sáng qua lên 15.000 đồng. Cải cúc tăng giá gấp đôi từ 2.000 đồng lên 4.000 đồng. Cải xoong cũng tăng giá từ 5.000 đồng lên 7.000 đồng. Tương tự, tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), rau cần tăng giá hơn gấp đôi từ 5.000 lên 13.000 đồng.
Thịt bò tăng giá từ trước Tết, nay có phần đắt hơn. Tại chợ Thành Công, người bán cho biết thịt thăn có giá 340.000 đồng một cân, trong khi mức thông thường là 280.000 đồng. Nhiều khách hàng chê giá đắt nhưng không có sự lựa chọn vì chỉ có một vài quầy bán. "Nguồn hàng ít, nhiều nơi cung cấp thịt bò vẫn chưa mở cửa trở lại sau Tết. Nên năm nay phải sau Mồng 10 Âm lịch giá thịt bò mới về mức bình thường", người bán thịt bò tại chợ Thành Công nói với khách.
Cá cũng tăng giá so với bình thường. Cá chép nhỏ trước 60.000 đồng một kg, nay lên 80.000 đồng. Loại to tăng mức tương tự lên 100.000 đồng. Cá nheo tăng giá nhẹ lên 120.000 đồng. Tại các khu chợ, nhiều hàng nhất là cá chép to. Các loại cá thông thường như cá trắm, cá chim, cá rô phi... đều hiếm hàng, ít nơi bán.


Khung cảnh vắng vẻ sau Tết Âm lịch tại khu chợ lớn nhất nhì quận Cầu Giấy ở phường Nghĩa Tân.
Hải sản cũng chưa xuất hiện nhiều trong ngày Mồng 5 Tết. Nếu có, chủ yếu là tôm với giá khá đắt. Tại chợ Hàng Bè, chỉ có một hàng bán tôm đang hoạt động với giá cao, hai loại tôm nhỡ và to được bán lần lượt ở 340.000 và 400.000 đồng một kg. Ngược lại, nguồn cung ngao khá dồi dào với nhiều hàng bán, giá không khác so với ngày thường ở 20.000 đồng một kg (ngao thường) đến 22.000 đồng (ngao hoa).
Giá thịt lợn, gà tăng ít hơn, có nơi giá vẫn như thông thường. Thịt lợn thăn ở chợ Nghĩa Tân giữ giá 9.000 đến 10.000 đồng mỗi lạng. Giá xương sườn ở chợ Vân Canh tăng nhẹ từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng một kg.
Cùng với việc người bán lác đác, người đi chợ cũng vắng vẻ. Bà Hoa, một người đi chợ Nghĩa Tân cho biết bà chỉ đi chợ mua ít rau xanh. Ở nhà, bà vẫn tích trữ một lượng lớn thịt, giò các loại nên chưa có nhu cầu mua thêm thức ăn mặn.



(Theo VnExpress)

Theo cohoigiaothuong.com.vn