Cơ hội giao thương - Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, hàng hóa trên thị trường Hà Nội đã được cân đối đầy đủ, đa dạng, phục vụ theo nhu cầu của nhân dân. Các doanh nghiệp thương mại đều nỗ lực khai thác nguồn hàng đầy đủ, chất lượng và ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.






Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 hàng hóa trên thị trường Hà Nội đã được cân đối đầy đủ, đa dạng, phục vụ theo nhu cầu của nhân dân. Các doanh nghiệp thương mại đều cố gắng trong việc khai thác nguồn hàng đầy đủ, chất lượng và ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.
Ông Hồ Quốc Khánh- Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Hà Nội- cho biết, tại các hệ thống siêu thị, ngay từ thời điểm đầu tháng 1/2016, các đơn vị đã tăng cường thêm lượng hàng hóa tại các điểm bán từ 15 - 20% để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Tại các siêu thị, hàng hóa bày bán phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại kết hợp với nhiều chương trình khuyến mãi nên thu hút đông đảo nhân dân đến mua hàng. Tại các chợ, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, cùng với việc nâng cao chất lượng phục vụ đã thực hiện tốt công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, văn minh thương mại và mỹ quan đô thị.
Tổng hợp tình hình thị trường trước và sau Tết trên địa bàn Hà Nội, ngày 27 – 28 Tết là thời gian cao điểm của đợt mua sắm do bắt đầu bước vào kỳ nghỉ Tết nên sức mua tăng mạnh, mức tăng khoảng 30%. Đến ngày 29 tháng Chạp (tức 30 Tết), lượng khách mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích giảm, người dân tập trung mua sắm mặt hàng thực phẩm tươi sống, các loại hoa và quả tại các chợ.
Theo bà Trần Thị Phương Lan- Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong thời gian nghỉ Tết, trên địa bàn thành phố duy trì 109 điểm bán các mặt hàng thiết yếu và cửa hàng bán lẻ xăng dầu vẫn hoạt động 24/24h để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Đến ngày mùng Ba Tết, trên địa bàn thành phố đã có 69 điểm bán các mặt hàng thiết yếu mở cửa bán hàng. Đến ngày mùng Bốn Tết, 100% siêu thị, cửa hàng tự chọn trên địa bàn thành phố đã mở cửa bán hàng bình thường.
Hoạt động mua sắm tại các chợ đầu mối và chợ dân sinh diễn ra sôi động hơn từ ngày 26 tháng Chạp, lượng hàng nông sản thực phẩm về các chợ cũng tăng hơn so với ngày thường, không khí mua sắm cũng nhộn nhịp hơn. Cụ thể, chợ bán buôn gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín) từ ngày 26 đến ngày 29 tháng Chạp tăng lên mức 80 – 90 tấn/ngày (tăng 20% so với những ngày trước đó), giá bán đối với mặt hàng này cũng tăng từ 7 – 10%.
Các chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai, Long Biên, lượng luân chuyển khoảng 200 – 400 tấn/ngày, tăng 20% so với các tháng thường, chủ yếu là các mặt hàng rau, củ quả… Tại các chợ dân sinh trên địa bàn, lượng khách mua sắm bắt đầu tăng mạnh kể từ ngày 24 tháng Chạp với mức tăng khoảng 20% và tăng ở mức 30 – 50% kể từ ngày 27 tháng Chạp. Mặt hàng được mua sắm nhiều chủ yếu là các mặt hàng tươi sống, các loại hoa quả phục vụ nhu cầu Tết. Giá các mặt hàng được bày bán sau Tết có mức tăng khoảng 5 – 10% so với thời điểm trước đó.
Thành phố đã tổ chức 47 điểm chợ hoa xuân trên địa bàn phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi của nhân dân Thủ đô, trong đó nội thành 24 điểm, ngoại thành 23 điểm. UBND các quận, huyện, thị xã đã tăng cường các lực lượng chức năng, kiên quyết giải tỏa để chợ hoa hoạt động đúng quy định.
Trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, hàng hóa phục vụ Tết phong phú đa dạng về chủng loại, đảm bảo chất lượng các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa quả, đồ khô đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng phục vụ Tết, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn bán hàng lậu, hàng kém chất lượng….
Đối với công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các Đội quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tuyến đường, bến xe để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trên địa bàn Thành phố. Kiểm tra, kiểm soát công tác an toàn thực phẩm, đặc biệt tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm đường phố…


Trong dịp Tết Nguyên đán, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã thực hiện kiểm tra 2.639 vụ, xử lý 2.472 vụ. Tổng số tiền thu hơn 38,54 tỷ đồng; trong đó phạt hành chính gần 16,4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 8,8 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy, tái xuất hơn 13,4 tỷ đồng.

Liên Hoa

Theo cohoigiaothuong.com.vn