Cơ hội giao thương - Ngày 29/12/2014, UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 7175/QĐ-UBND về việc công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” đối với làng nghề bánh kẹo truyền thống Cổ Hoàng, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.




Người dân Cổ Hoàng đang khẩn trương làm hàng phục vụ Tết cổ truyền. Ảnh: Internet

Ngày 29/12/2014, UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 7175/QĐ-UBND về việc công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” đối với làng nghề bánh kẹo truyền thống Cổ Hoàng, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.
Nghề làm bánh kẹo truyền thống tại làng Cổ Hoàng đã hình thành từ xa xưa để phục vụ nhu cầu thưởng thức trong sinh hoạt đời sống người dân trong vùng, sau lan dần ra các vùng lân cận. Từ năm 1947, nghề làm bánh kẹo truyền thống tại làng Cổ Hoàng phát triển mạnh, và đến nay đã trở thành nghề có thu nhập chính của làng.
Làng có 79 trên tổng số 153 hộ tham gia làm nghề sản xuất bánh kẹo truyền thống và 255 lao động làm nghề sản xuất bánh kẹo. Sản phẩm bánh kẹo chính của làng gồm: kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi, kẹo bột, chè lam, mang đậm bản sắc dân tộc Việt, là món ăn tráng miệng bình dị khó quên.
Những năm trước, nghề làm bánh kẹo truyền thống của làng hoàn toàn làm thủ công. Ngày nay, nhiều hộ sản xuất đã đầu tư máy móc hiện đại vào các công đoạn nhào nha, đóng gói sản phẩm để nâng cao năng suất lao động giảm tiếp xúc trực tiếp vào quá trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện các cơ sở sản xuất bánh kẹo trong làng đã quan tâm ghi nhãn mác sản phẩm thời hạn sử dụng, ghi rõ địa chỉ sản xuất nhằm thể hiện trách nhiệm của mình về chất lượng sản phẩm trước người tiêu dùng. Người dân trong làng nghề luôn có ý thức giữ gìn uy tín, chất lượng sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở sản xuất của mình. Hầu hết các cơ sở sản xuất bánh kẹo lớn tại làng nghề đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do các cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đặc biệt, môi trường tại làng Cổ Hoàng luôn được chính quyền người dân quan tâm, và có ý thức bảo vệ. tại thôn có 3 tổ thu gom rác thải, 1 bãi xử lý rác thải, có hệ thống dẫn nước thải đến từng hộ gia đình.
Những năm gần đây, giá trị sản xuất nghề làm bánh kẹo truyền thống của làng Cổ Hoàng luôn chiếm trên 50% so với tổng giá trị sản xuất của làng. Thu nhập bình quân của người làm nghề đạt trên 36 triệu đồng/năm. Số hộ làm ăn khá giả ngày một tăng lên. Bộ mặt của làng xã ngày càng đổi mới khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân làng nghề Cổ Hoàng không ngừng được cải thiện, góp phần xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.
Theo ông Đỗ Thanh Hùng- Trưởng thôn Cổ Hoàng, việc được công nhận làng nghề truyền thống sẽ tạo tiền đề cho làng nghề phát triển ổn định và được thụ hưởng các chính sách phát triển làng nghề của Thành phố. Tuy nhiên, hiện làng nghề còn nhiều khó khăn trong việc phát triển, như: quy mô sản xuất của các cơ sở làng nghề còn nhỏ nên gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư mua máy móc thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất; làng nghề chưa có trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm làng nghề để thu hút khách thập phương đến tìm hiểu và mua sắm sản phẩm của làng nghề.
Mong rằng, thời gian tới, UBND xã Hoàng Long và UBND huyện Phú Xuyên sẽ quan tâm tạo điều kiện cho các hộ dân làng nghề mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm làng nghề ở trong và ngoài nước- ông Hùng nhấn mạnh.

Hiện nay, các hộ sản xuất bánh kẹo trong làng nghề Cổ Hoàng rất quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ gìn uy tín, thương hiệu, bản sắc riêng của làng Cổ Hoàng. Sản phẩm bánh kẹo truyền thống của làng nghề Cổ Hoàng vì thế ngày càng có uy tín, được nhiều người biết đến.
Lê Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn