Cơ hội giao thương - Việc áp dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 50001:2012 nhằm giảm phát thải khí nhà kính và các tác động môi trường khác có liên quan cũng như chi phí năng lượng thông qua quản lý năng lượng một cách hệ thống. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai đến nay mới có 16 DN trên địa bàn cả nước áp dụng tiêu chuẩn này. Một con số quá khiêm tốn.




Việc áp dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 50001:2012 nhằm giảm phát thải khí nhà kính và các tác động môi trường(ảnh minh họa).

Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 50001:2012 được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn quốc tế ISO 50001:2011 hướng tới việc thực hiện các chương trình năng lượng đơn giản, hiệu quả và tăng cường quản lý hơn là đầu tư máy móc và thay đổi công nghệ.
Mục đích của tiêu chuẩn này là giúp các tổ chức thiết lập các hệ thống và quá trình cần thiết để nâng cao hiệu quả năng lượng, gồm hiệu suất năng lượng, việc sử dụng và tiêu thụ năng lượng. Việc áp dụng tiêu chuẩn này nhằm giảm phát thải khí nhà kính và các tác động môi trường khác có liên quan cũng như chi phí năng lượng thông qua quản lý năng lượng một cách hệ thống.
Tiêu chuẩn này có thể áp dụng cho mọi loại hình tổ chức, với quy mô bất kỳ không phân biệt điều kiện địa lý, văn hóa và xã hội. Việc áp dụng thành công phụ thuộc vào cam kết của tất cả các cấp và chức năng trong tổ chức và đặc biệt là cam kết của lãnh đạo cao nhất. Tiêu chuẩn này dựa trên khuôn khổ cải tiến liên tục Hoạch định – Thực hiện – Kiểm tra – Hành động (PDCA) và kết hợp quản lý năng lượng vào thực tiễn hàng ngày của tổ chức.

Chia sẻ tại Hội thảo Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp diễn ra ngày 20/5/2016 tại Hà Nội, ông Lê Sỹ Trung – Tổng giám đốc Công ty TNHH TUV Nord Việt Nam cho biết, về mặt kỹ thuật từ khi tiêu chuẩn ra đời đến nay, số lượng các DN trên thế giới áp dụng là không nhỏ và tăng theo cấp số nhân với con số ban đầu vào năm 2011 là 459 DN thì đến năm 2014, con số này tăng lên 6778. Tuy nhiên, tại Việt Nam con số này còn khá khiêm tốn khi với năm 2012 là 5 DN thì nay tăng lên con số 16 DN được.

Lý giải nguyên nhân về con số hiếm hoi các DN Việt Nam áp dụng Hệ thống quản lý này, ông Trung cho biết, Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ra đời năm 2010 trong khi đó tiêu chuẩn quốc tế ra đời năm 2011 vàTCVN ISO 50001:2012 hoàn toàn tương đương với ISO 50001:2011được ban hành vào năm 2012. Có nghĩa là Luật không viện dẫn trực tiếp đến Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 50001:2012, đây chính là một trong những rào cản khiến các DN không áp dụng được ngay cũng như chưa áp dụng được nhiều Hệ thống này trong DN.
Bên cạnh đó, việc áp dụng Hệ thống này yêu cầu các DN phải có cơ chế kiểm soát về số lượng năng lượng được sử dụng. Tuy nhiên, yếu tố đặc thù của các DN Việt Nam quản trị năng lượng bằng kinh nghiệm thay vì quản trị bằng số liệu, do đó là các dữ liệu, số liệu trong tiêu thụ năng lượng để phân tích xem hiệu quả sử dụng như thế nào hầu hết các DN Việt không có.
Để có thể xây dựng Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 50001:2012 DN phải xây dựng bộ số liệu đủ lâu và đủ lớn để phân tích được xu hướng sử dụng năng lượng. Và để có được số liệu có nghĩa là chúng ta lại phải đầu tư cho việc đo đếm, đầu tư cho việc phân tích theo dõi. Đây thực sự là một khối lượng công việc cực lớn đối với các DN.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là do nhận thức của lãnh đạo các doanh. “Nhiều DN cứ nghe đến hai chữ quốc tế là họ đã sợ không muốn đi tiếp theo nữa. Trong khi Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả lại không quy định rõ về mô hình quản lý mà DN phải áp dụng, nên DN sẽ lựa chọn áp dụng mô hình Hệ thống quản lý năng lượng đơn giản nhất có thể và phù hợp theo Luật thay vì lựa chọn làm theo Hệ thống quản lý năng lượng chuẩn mực quốc tế” ông Trung nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp dụng Hệ thống ISO 50001: 2012 sẽ cho hiệu quả trải rộng trên tất cả khối lượng công việc của DN, và hiệu quả cuối là chi phí sử dụng năng lượng DN sẽ bớt đi về mặt cơ học và quan trọng hơn là nó tác động đến toàn chuỗi trong và ngoài DN. Theo đó, bản thân người lao động trong DN sẽ ý thức trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và họ có thể mang cách thức quản lý này về áp dụng gia đình họ. Song song với đó, là tác dụng lan truyền từ DN tới khách hàng cũng như nhà cung cấp của DN.

Có thể nói, Hệ thống ISO 50001: 2012 là giải pháp về mặt quản trị bền vững và tạo ra ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm cho tất cả mọi người. Để, để tạo thành làn sóng các DN áp dụng Hệ thống quản lý này, ông Trung cho rằng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền Luật, bên cạnh đó, để hiệu quả hơn nữa cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước với cơ chế bắt buộc áp dụng hoặc cơ chế khuyến khích, nếu là cơ chế khuyến khích cần có sự động viên hỗ trợ doanh nghiệp.



Ông Đào Hồng Thái- Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội:

Thực hiện theo tiêu chuẩn TCVN ISO 50001:2012 giúp xây dựng hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả trong nội vi DN, từ đó giúp việc tiết kiệm năng lượng của DN sẽ được thực hiện thường xuyên liên tục và bền vững hơn. Hiện TP. Hà Nội đang đẩy mạnh tuyên truyền hướng đến các DN thực hiện mô hình quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn này.



Hạnh Liên


Theo cohoigiaothuong.com.vn