Cơ hội giao thương - Ngổn ngang nợ xấu, kinh doanh thua lỗ, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, khó khăn tài chính và nhiều tác động xấu từ thị trường xuất khẩu sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến niên vụ càphê mới thu hoạch từ tháng 10 tới đây.






Ngổn ngang nợ xấu, kinh doanh thua lỗ, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, khó khăn tài chính và nhiều tác động xấu từ thị trường xuất khẩu sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến niên vụ càphê mới thu hoạch từ tháng 10 tới đây.
Tại hội nghị bàn giải pháp xuất khẩu càphê niên vụ 2013 – 2014 của nhóm 20 nhà xuất khẩu càphê hàng đầu hôm 24.9 tại TP.HCM, doanh nghiệp còn bức xúc đang bị cơ quan thuế “ngâm” quá lâu hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào, khiến họ không còn vốn hoạt động, phải tính đến việc ngưng xuất khẩu…
Nợ bủa vây doanh nghiệp
Ông Nguyễn Nam Hải, phó chủ tịch thường trực hiệp hội Càphê Việt Nam (Vicofa), cho biết niên vụ vừa qua ngành càphê Việt Nam gặp không ít khó khăn, xuất khẩu giảm cả về sản lượng lẫn giá trị khi chỉ đạt 1,4 triệu tấn (giảm 23,7%) và 2,8 tỉ USD (giảm 22,8%) so niên vụ trước. Đi kèm với tình hình xuất khẩu giảm sút là giá càphê trong nước liên tục biến động theo chiều hướng xấu, từ trên dưới 40.000 đồng/kg hồi năm ngoái, nay chuẩn bị vào vụ mới còn 36.000 đồng. Chưa hết, liên tiếp trong hai năm gần đây, kinh doanh xuất khẩu càphê rất khó khăn, doanh nghiệp mua cao bán thấp, thua lỗ triền miên, hàng loạt công ty lớn phá sản, vỡ nợ liên tục xảy ra, nợ xấu chưa trả của toàn ngành còn trên dưới 8.000 tỉ đồng.
Hiện nay, mặc dù có trường hợp được ngân hàng khoanh nợ, nhưng tình hình chung là doanh nghiệp bị từ chối cho vay mới để thu mua, chế biến xuất khẩu nên không ít đơn vị mất khả năng kinh doanh. Do đó, theo ông Hải, tuy trong ngành vẫn còn nhiều doanh nghiệp đứng vững, nhưng nếu không cùng nhau tháo gỡ khó khăn thì chắc chắn hoạt động xuất khẩu càphê trong niên vụ tới sẽ khó vực dậy được.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến còn cho hay giá càphê thế giới như arabica, robusta đang trong chu kỳ thấp nhất trong vòng từ ba đến bốn năm trở lại đây, trong khi giá thành sản xuất lại tăng nhanh. Những yếu tố rủi ro khác như cung vượt cầu, rủi ro thị trường, sâu bệnh cũng đang gây cản trở cho niên vụ càphê sắp tới. “Doanh nghiệp Việt Nam còn phải cạnh tranh trong thế yếu về vốn, lãi suất, kinh nghiệm thị trường so với các doanh nghiệp FDI. Ngành càphê đang hội tụ quá nhiều tác động xấu”, ông Lương Văn Tự, chủ tịch Vifaco, nói thêm.
Ngưng xuất khẩu nếu không được hoàn thuế
Tuy nhiên, bức xúc lớn nhất được cộng đồng doanh nghiệp càphê phản ánh đó là việc chậm được hoàn thế VAT đầu vào. Thông thường, doanh nghiệp xuất khẩu càphê mua hàng qua khâu trung gian và phải trả thuế VAT 5% trực tiếp trên giá mua khi xuất hoá đơn và người bán hàng (khâu trung gian) có trách nhiệm nộp lại khoản thuế này cho cục thuế địa phương. Điều kiện được hoàn thuế là doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu hàng đi nước ngoài. Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay hầu hết đều bị cơ quan thuế “ngâm” hồ sơ khiến họ không thể lấy lại được tiền thuế VAT đã nộp trước đó. Tình trạng này, theo ông Đỗ Hà Nam, phó chủ tịch Vicofa, đang trở nên phổ biến ở các doanh nghiệp. Có doanh nghiệp đã gần nửa năm nay không được hoàn lại hàng chục tỉ đồng thuế VAT, nên khả năng phải ngưng xuất khẩu trong niên vụ tới là rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu nông sản Packsimex, TP.HCM bức xúc: “Nếu công ty chúng tôi không được giải quyết hoàn thuế thì ngay trong tuần tới chúng tôi sẽ gửi công văn lên bộ Công thương, Thành uỷ, UBND TP.HCM, tổng cục Thuế xin ngưng xuất khẩu càphê, đồng thời thực hiện biện pháp giảm người, đẩy lao động ra đường”. Bà Mai cho hay, Packsimex xuất khẩu nhiều mặt hàng, kim ngạch trung bình khoảng 45 triệu USD mỗi năm, trong đó có khoảng 1/3 là càphê, nhưng từ khi có công văn quy định hoàn thuế mới của bộ Tài chính thì công ty không thể nào được hoàn thuế VAT. “Chỉ cần 12 tỉ đồng của chúng tôi không được hoàn sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền luân chuyển, cho dù lãi suất bây giờ đã hạ nhưng vẫn phát sinh thêm vào kết cấu giá thành, làm giảm đáng kể tính cạnh tranh với hàng hoá thế giới”, bà Mai nói.
Doanh nghiệp cho biết trước đây sau khi xuất khẩu xong họ chỉ cần nộp hồ sơ, hoá đơn là được hoàn thuế (hoàn trước, kiểm sau) nhưng từ ngày 1.7.2013, công văn 7527 của bộ Tài chính quy định cơ quan thuế phải tiến hành kiểm tra đầy đủ hoá đơn đến người bán hàng đầu tiên, nếu đạt thì doanh nghiệp mới được hoàn thuế (kiểm trước, hoàn sau). Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp càphê mua hàng qua trung gian, có khi hàng hoá đó đã được mua đi bán lại qua nhiều tầng nấc nên nếu chờ để cơ quan thuế truy đến người bán đầu tiên thì phải mất cả năm trời. Thậm chí, nếu có một khâu nào đó trong mắt xích bán hàng gian lận, trốn thuế thì doanh nghiệp xuất khẩu cũng không được hoàn thuế.
“Doanh nghiệp xuất khẩu khi mua hàng hoá có hoá đơn và đã thanh toán xong giá trị hoá đơn VAT, đương nhiên họ phải được hoàn thuế VAT đầu vào”, ông Đỗ Hà Nam phân tích. Ngoài ra, ông Nam cũng cho rằng quy định pháp luật, việc doanh nghiệp bán hàng đã nộp hay còn nợ thuế VAT đối với các hoá đơn trên, không ảnh hưởng gì đến hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp xuất khẩu.




(Theo Sài Gòn tiếp thị)

Theo cohoigiaothuong.com.vn