Cơ hội giao thương - Việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo tham gia đầu tư vùng nguyên liệu sẽ được nhân rộng, trước hiệu quả thực tế của các mô hình cánh đồng mẫu lớn, cũng như sức ép của thị trường...




Các chuyên gia ngân hàng Thế giới (World Bank) tham quan cánh đồng mẫu của công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang.

Việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo tham gia đầu tư vùng nguyên liệu sẽ được nhân rộng, trước hiệu quả thực tế của các mô hình cánh đồng mẫu lớn, cũng như sức ép của thị trường...
Vừa có một bản ghi nhớ được ký kết về sản xuất và tiêu thụ lúa trong cánh đồng mẫu lớn giữa hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) – tổ chức đại diện cho 140 đầu mối xuất khẩu gạo với cục Trồng trọt, cục Chế biến kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, đại diện 13 sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp xuất khẩu gạo xem trọng lợi ích khi đầu tư vào vùng nguyên liệu…
Sức ép của thị trường
Thời gian qua có nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khá hiệu quả, điển hình như công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, công ty Angimex, Docimexco, Gentraco, Thu Hà… Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang tính toán, trong tổng số trên 61.000ha vùng nguyên liệu liên kết sản xuất với nông dân ở các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long, thông qua việc tiết kiệm chi phí thu được nhờ áp dụng quy trình sản xuất lúa có kiểm soát, nông dân tiết kiệm đầu tư trung bình 1.236 đồng/kg lúa tươi so với bên ngoài và tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư của nông dân đạt 455% của vụ đông xuân 2010 – 2011, hè thu 2011 là 286%, thu đông 2011 là 317%, đông xuân 2011 – 2012 là 392% và 362,5% của vụ hè thu 2012. Tại Gentraco, ông nguyễn Trung Kiên, tổng giám đốc công ty này cũng khẳng định lợi nhuận tăng thêm mà nông dân được hưởng so với ngoài mô hình liên kết lên đến 19,3%, tương đương 4,83 triệu đồng/ha…
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu thu được hiệu quả khá tốt. Và, dẫn chứng như vậy để thấy, mục đích cuối cùng trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo mà các doanh nghiệp đang hướng tới là nhằm nâng cao chất lượng hạt gạo, mang đến giá trị xuất khẩu cao hơn sau đó phân chia lại lợi ích hài hoà cho các bên tham gia. Có lẽ, cũng vì nhìn thấy lợi ích nhãn tiền này, nên trong nội dung quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo mà bộ Công thương công bố hồi giữa năm nay, quy định doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu hoặc liên kết với các chủ thể khác tạo ra vùng nguyên liệu mới được tham gia xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, với tình hình thị trường xuất khẩu gạo thay đổi theo chiều hướng nghiêng hẳn về chất, cạnh tranh giá ở mức độ cao hơn thì quy định trên không còn là mệnh lệnh hành chính nữa. Bản thân các doanh nghiệp buộc phải tham gia vào sản xuất mới có thể tồn tại được.
Trở lại nội dung văn bản mà các bên vừa mới ký kết, ngay trong vụ đông xuân 2014, mỗi doanh nghiệp trong số 140 đầu mối xuất khẩu phải xây dựng riêng cho mình vùng nguyên liệu có diện tích ít nhất là 200ha. Việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hoá chất lượng cao xuất khẩu có thể dựa trên hình thức liên kết với nông dân thông qua cung ứng vật tư đầu vào hoặc đặt hàng nông dân trong vùng nguyên liệu sản xuất 1 – 2 giống lúa sau đó cam kết tiêu thụ theo giá thị trường. Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA cho biết trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt nên việc xây dựng lại mối liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo mới có thể tạo ra sản phẩm gạo có chất lượng tốt hơn, đủ sức cạnh tranh với thế giới.
Nông dân sẽ làm chủ doanh nghiệp
Cho đến nay, tuy mới có 13 doanh nghiệp trong tổng số 140 đầu mối xuất khẩu thực hiện liên kết xây dựng vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, VFA khẳng định vụ đông xuân tới đây tất cả đầu mối xuất khẩu gạo phải thí điểm đầu tư riêng cho mình một vùng nguyên liệu. Qua thực tế liên kết, VFA đánh giá đây là mô hình mang lại lợi ích hài hoà cho cả nông dân, doanh nghiệp, ngoài ra còn huy động nguồn lực tổng hợp thông qua việc gắn kết doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo, đầu mối cung ứng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ngân hàng để hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị gạo xuất khẩu. Các mô hình liên kết có thể là doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn như cách làm của công ty cổ phần thuốc bảo vệ thực vật An Giang, hay liên kết với chủ thể thứ hai là HTX, tổ hợp tác hoặc liên kết nhiều chủ thể với nhau như doanh nghiệp, nông dân và công ty cung ứng vật tư, ngân hàng, nhà máy xay xát của Angimex, Docimexco, Gentraco…
Tất nhiên, nếu làm như Bảo vệ thực vật An Giang thì đòi hỏi doanh nghiệp phải trường vốn nhưng bù lại họ chủ động được mọi mặt. Thông qua việc đầu tư trực tiếp vùng nguyên liệu, thì vị thế của nông dân cũng thay đổi khi có cơ hội làm cổ đông trong công ty giống như cách làm của Bảo vệ thực vật An Giang.
Ông Huỳnh Văn Thòn, tổng giám đốc Bảo vệ thực vật An Giang cho rằng, không có sự phân phối lợi ích nào công bằng bằng việc cổ phần hoá và bán cổ phần lại cho nông dân. Trước mắt là 5% giá trị cổ phần, sau này, theo kế hoạch, khi các nhà máy đi vào hoạt động có lãi, Bảo vệ thực vật An Giang sẽ cổ phần hoá và bán tiếp cổ phần cho nông dân.




(Theo SGTT)

Theo cohoigiaothuong.com.vn