Cơ hội giao thương - Số doanh nghiệp cần được cổ phần hóa trong 2 năm 2014-2015 là 432 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm 216 doanh nghiệp.


Số doanh nghiệp cần được cổ phần hóa trong 2 năm 2014-2015 là 432 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm 216 doanh nghiệp.
Báo cáo tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước các năm 2011-2013 và nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh đến năm 2015 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 2014-2015 ngày 18/2 xác định cần sớm ban hành các quy định về quản lý, kiểm tra, giám sát tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật; giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; số lượng, bổ nhiệm, thi tuyển cán bộ quản lý chủ chốt; hoạt động của người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp theo Kết luận số 50-KL/TW của Trung ương làm căn cứ để tiếp tục rà soát, phân loại 949 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hiện có.
Theo các Đề án đã phê duyệt, do 3 năm (2011-2013) đạt thấp nên số doanh nghiệp cổ phần hóa còn lại trong 2 năm 2014-2015 là 432 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm 216 doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ lớn, phức tạp, quan trọng nhất trong tái cơ cấu, cần đặc biệt quan tâm và có những giải pháp mới, đột phá, dồn sức thực hiện để có được kết quả rõ rệt.
Do vậy, cần sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ làm cơ cở để thực hiện; giải quyết cho được những vướng mắc trong thoái vốn. Xây dựng lộ trình chặt chẽ, khả thi để thoái những khoản đầu tư không hiệu quả.
Thực hiện sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quản quản lý, trước mắt đối với ngành công nghiệp, thương mại, giao thông, xây dựng.
Doanh nghiệp Nhà nước phải áp dụng các chuẩn mực quản trị kinh doanh hiện đại có hiệu quả cao, hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ. Tăng cường công tác cán bộ, nâng cao kỷ luật chấp hành pháp luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất kinh doanh, quản lý nhằm hạ giá thành, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm để có được hiệu quả tổng hợp cao.
Thực hiện sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết mới của Bộ Chính trị. Chính phủ có chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, tạo chuyển biến mạnh trong lĩnh vực này. Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có nông, lâm trường xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh trực thuộc.
Để thực hiện các mục tiêu trên, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước mới ban hành, tiếp tục rà soát, bổ sung những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ vào diện thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa và chỉ đạo tổ chức thực hiện nếu có điều kiện.
Thực hiện các giải pháp đột phá để cổ phần hóa 432 doanh nghiệp như nhiệm vụ đã đề ra còn lại cho 2 năm 2014-2015. Các bộ, địa phương theo thẩm quyền phê duyệt và có quyết định chuyển thành công ty cổ phần tất cả các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa đã phê duyệt và chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện theo đúng tiến độ.
Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý những khó khăn, vướng mắc, với lộ trình phù hợp, chặt chẽ, khả thi để các bộ quản lý ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa các tổng công ty Nhà nước. Tiếp tục thực hiện chính sách đối với lao động dôi dư và cơ chế, chính sách xử lý nợ khi thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước...




(Theo Chinhphu.vn)

Theo cohoigiaothuong.com.vn