Cơ hội giao thương - Dự kiến nhu cầu tiêu dùng tháng Tết trên địa bàn Hà Nội sẽ tăng từ 15 – 18% so với các tháng trung bình trong năm. Các DN trên địa bàn Hà Nội đã chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán khoảng 16.000 tỷ đồng, đảm bảo hàng hóa cung cấp cho dịp Tết Ất Mùi.




Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải làm việc với UBND TP. Hà Nội về công tác phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.

Dự kiến nhu cầu tiêu dùng tháng Tết trên địa bàn Hà Nội sẽ tăng từ 15 – 18% so với các tháng trung bình trong năm. Các DN trên địa bàn Hà Nội đã chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán khoảng 16.000 tỷ đồng, đảm bảo hàng hóa cung cấp cho dịp Tết Ất Mùi.
Chủ động nguồn hàng cung ứng
Ngày 21/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội về công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, các DN đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết từ nhiều tháng nay. Các DN sản xuất kinh doanh rượu – bia – nước giải khát, sữa, bánh kẹođã dự trữ khoảng 185 triệu lít bia, 6 triệu lít rượu, trên 30.000 tấn bánh mứt kẹo và khoảng 16,5 triệu lít sản phẩm sữa các loại phục vụ Tết với tổng tiền hàng dự kiến 8.500 tỷ đồng.
Các làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội tập trung sản xuất kinh doanh các nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như chế biến nông sản thực phẩm, bánh mứt kẹo, miến dong, bột sắn với tổng giá trị trên 150 tỷ đồng. Các DN, hộ kinh doanh thương mại dự trữ nhóm hàng phục vụ Tết với tổng giá trị tiền hàng khoảng 6.750 tỷ đồng.
UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các DN tham gia chương trình bình ổn giá dự trữ đúng lượng hàng hóa đã cam kết, tương ứng với số vốn 276,75 tỷ đồng được UBND Thành phố tạm ứng. Ngoài ra, bằng các nguồn vốn huy động khác, các DN đã chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng hàng hóa thiết yếu được giao dự trữ với số tiền lên đến 500 tỷ đồng và chủ động bình ổn giá đối với 2 nhóm hàng đường, thực phẩm chế biến để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong tháng Tết Ất Mùi.
Theo bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, với khả năng sản xuất, kinh doanh của các DN, cơ bản sẽ đáp ứng được như cầu mua sắm, tiêu dùng các nhóm hàng thiết yếu của nhân dân.
Tạo thuận lợi tối đa cho DN
Dù đã chủ động lên kế hoạch cung ứng hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân Hà Nội trong dịp Tết Ất Mùi, song theo phản ánh của các DN, việc triển khai chương trình bình ổn thị trường theo phương án kết nối DN với ngân hàng để vay vốn với lãi suất ưu đãi vẫn còn vướng mắc. Đại diện Công ty Lan Chi cho rằng, mặc dù các ngân hàng đã có các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành riêng cho các DN để thực hiện chương trình bình ổn giá, tuy nhiên năm 2014, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do các DN không còn tài sản thế chấp để vay vốn, còn ngân hàng không chấp thuận cho vay tín chấp trong lần đầu thực hiện giao dịch.
Bên cạnh đó còn nhiều khó khăn đối với DN thực hiện chương trình bình ổn giá như: phần lớn kinh phí thực hiện đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất do DN tự trang trải ; nhiều chuyến bán hàng của DN tại khu vực xa trung tâm xã, huyện nên công tác vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhất là khi thời tiết không thuận lợi nên hàng hóa đưa đến phục vụ nhân dân chưa phong phú; người dân khu vực ngoại thành có tâm lý so sánh giá bán giữa hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ của các DN với hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ ; địa điểm tổ chức các chuyến bán hàng tại KCN, KCX thường trong khuôn viên KCN, biệt lập với bên ngoài, lượng công nhân làm việc tại các nhà máy theo ca nên trong giờ không có khách…
Trước những ý kiến phản ánh của DN, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa tạo điều kiện tối đa cho DN, góp phần bình ổn giá cả hàng hóa không chỉ trước, trong Tết Nguyên đán mà cả thời gian sau đó.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải:
DN cần chủ động trong kế hoạch kinh doanh đảm bảo nguồn hàng. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần chia sẻ với khó khăn của DN để phục vụ bình ổn thị trường. Cùng với đó, công tác quản lý thị trường cần được tăng cường, đảm bảo sự công bằng cho các DN làm ăn chân chính, góp phần đẩy lùi hàng giả, hàng kém phẩm chất.
Ngọc Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn