Cơ hội giao thương - Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, song loại hình doanh nghiệp này lại đã và đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển sản xuất và mở rộng kinh doanh.






Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, song loại hình doanh nghiệp này lại đã và đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển sản xuất và mở rộng kinh doanh.
Việt Nam hiện có hơn 90% DNNVV trong tổng số DN đang hoạt động, góp vai trò quan trọng trong tạo việc làm, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tuy vậy, nhóm DN này được đánh giá là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong nền kinh tế bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn là yếu tố cản trở chính cho sự phát triển của DNVVN hiện nay.
Tiếp cận nguồn vốn là yếu tố quyết định cho sự hình thành, phát triển và tăng trưởng của DN. Trong năm 2013, 65,2% DN trong diện điều tra có nhu cầu vay vốn của ngân hàng, tỷ lệ này năm 2012 là 57,3%, như vậy, nhu cầu vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp có xu hướng tăng lên. Có 34,8% DN không có nhu cầu vay vốn, mà theo họ, nguyên nhân chính là hiện lãi suất vẫn cao, kinh doanh không đủ hiệu quả để trả lãi. Theo ông Đinh Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (VCCI), chính các rào cản về thủ tục và các điều kiện được vay vốn đã làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của DN. Thời gian qua, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng lên cao. Để giảm bớt rủi ro, các ngân hàng xem xét khắt khe và kỹ lưỡng hơn rất nhiều đối với những khoản tín dụng cấp mới, DN phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà ngân hàng đòi hỏi, dẫn đến thời gian xem xét lâu hơn so với trước đây. Ngoài ra, bản thân các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn trước khó khăn chung của nền kinh tế, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn nhưng nhu cầu vay vốn trung, dài hạn của các DNVVN là rất lớn…
Về phía ngân hàng, bà Hà Thu Giang- Phó Trưởng phòng Tín dụng Chính sách Nhà nước (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) lại cho rằng, các DNVVN chưa tiếp cận được nhiều với nguồn vốn một phần là do bản thân các DN. Khó khăn lớn nhất trong việc cho vay đối với DNVVN là hệ thống báo cáo tài chính chưa được các DN thực sự quan tâm nên số liệu phản ánh chưa chính xác, chưa được kiểm toán theo quy định, vì thế các tổ chức tín dụng thiếu thông tin khi phân tích, đánh giá và thẩm định đề nghị xin vay của DNVVN, ảnh hưởng đến việc đưa ra các quyết định cho vay cũng như chất lượng khoản vay. Bên cạnh đó, những hạn chế trong tiếp cận thông tin, trình độ nhân lực, quản trị dẫn tới kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của các DNVVN thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động của giá cả, thị trường… Tài sản đảm bảo của các DNNVV cũng cũng chưa đáp ứng được các yêu cầu của tổ chức tín dụng như tính pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, tài sản không khả mãi, giá trị đảm bảo thấp…
Có thể nói, khó khăn của các DNVVN bắt nguồn từ cả khía cạnh chính sách, quy định của Chính phủ, lẫn trong thực tế hoạt động của bản thân DN. Chủ trương chung của Nhà nước hiện nay vẫn là khuyến khích sự phát triển của DNNVV, ngành ngân hàng cũng tiếp tục xác định DNNVV vẫn là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên. Để các DN này tiếp cận được với nguồn vốn dễ dàng hơn trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh các chính sách của Chính phủ, cơ chế cho vay hoặc hỗ trợ vốn của các tổ chức tín dụng, yếu tố quyết định vẫn là sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp.
Những vấn đề từ nội tại các DNVVN đã dẫn tới việc tiếp cận vốn vay của các DNNVV gặp khó khăn do chưa/không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật và quy trình quản trị rủi ro tại các tổ chức tín dụng.






Hoàng Hải


Theo cohoigiaothuong.com.vn

View more random threads: