Cơ hội giao thương - Khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực đầu vào, đặc biệt là vốn hiện vẫn là rào cản lớn và phổ biến đối với các doanh nghiệp (DN) Hà Nội, đặc biệt là DN có quy mô nhỏ và vừa.






Khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực đầu vào, đặc biệt là vốn hiện vẫn là rào cản lớn và phổ biến đối với các doanh nghiệp (DN) Hà Nội, đặc biệt là DN có quy mô nhỏ và vừa.

Khó tiếp cận



Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ DN tổ chức mới đây, số DN chỉ dựa vào vốn tự có, không vay vốn để sản xuất, kinh doanh là rất ít. Hầu hết các DN của Hà Nội có quy mô nhỏ và vừa vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn vay.
Trong tổng số 17.337 DN tham gia điều tra khảo sát, chỉ có 6,7% cho biết việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng trong nước là thuận lợi, 59,54% cho rằng bình thường, 27,9% nói khó khăn, 3,65% trả lời là rất khó khăn. Trong đó, DN Nhà nước có tỷ lệ thuận lợi cao nhất là 11,61%, còn DN ngoài Nhà nước có tỷ lệ khó khăn nhiều nhất là 28,63%. Đối với các nguồn vốn tín dụng nước ngoài, chỉ có 2,17% số DN cho rằng thuận lợi, 44,58% cho là bình thường, 33,61% nói gặp khó khăn, 13,39% cho biết rất khó khăn.


Không chỉ gặp khó khăn về vốn, các DN Hà Nội cũng không dễ dàng tìm kiếm các nguồn vật tư đầu vào do chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Nguồn vật tư trong nước tuy dồi dào nhưng vẫn có khoảng 8% thấy khó khăn trong việc tiếp cận. Đặc biệt, có tới 22% số DN cho biết gặp khó khăn, thậm chí rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vật tư nhập khẩu. Đây là một "nút thắt" rất lớn đối với nhiều DN vì hầu hết các ngành sản xuất trong nước hiện vẫn phụ thuộc vào nguồn vật tư nhập khẩu. Ông Hồ Viết Tâm - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dụng cụ cơ khí xuất khẩu (Hà Nội) tâm sự: "Cạnh tranh giữa các DN sản xuất phụ tùng trong nước ngày càng gay gắt. Chưa kể, các hãng Honda, Yamaha, Suzuki, Toyota… có chính sách yêu cầu chúng tôi hàng năm phải giảm giá bán 5%, trong khi giá nguyên liệu đầu vào phải nhập 100% lại liên tục biến động, chưa kể giá xăng, dầu, điện, nước cũng tăng".

Liên quan tới chi phí xăng, dầu, điện, nước, tiền thuê đất…, Chính phủ đã có Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013, Bộ Tài chính có Thông tư số 16/2013/TT-BTC ngày 8/3/2013 về thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu. Theo đó, sẽ giảm tiền thuê đất trong 2 năm 2013 - 2014 với các DN có số tiền thuê đất còn phải nộp sau khi đã trừ số tiền được giảm theo quy định khác lớn hơn 2 lần số tiền thuê đất phải nộp của năm 2010. Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN Hà Nội, giá thuê đất tăng cao cùng với chi phí điện, nước, xăng dầu tăng vẫn là áp lực lớn, gây khó khăn cho DN trong việc kiểm soát chi phí đầu vào, ổn định giá thành, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là với các sản phẩm xuất khẩu theo hợp đồng trung và dài hạn. Mặt khác, nhiều DN mới được thuê đất từ năm 2012, chưa có tư cách pháp nhân mới và chưa hoàn thành thủ tục hợp thức hóa việc sử dụng đất không được miễn giảm tiền thuê đất.

Kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp



Nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn và lãi suất cho các DN, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, TP tiếp tục thí điểm hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và vốn vay cho sản xuất, kinh doanh, thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng. Trong đó, TP sẽ tập trung ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. "Hà Nội đang hoàn thiện đề án thành lập và các thủ tục cần thiết để đưa Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa trên địa bàn sớm đi vào hoạt động" - Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu cho biết. Ngoài ra, các thủ tục về vốn, đất đai, đăng ký và thành lập DN cũng được cam kết là sẽ ngày càng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho DN.

Về giá thuê đất, lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 trên cơ sở giảm tỷ lệ phần trăm đơn giá thuê đất từ 1,5 - 3% xuống còn 1 - 2%. Giá đất được xác định theo hệ số điều chỉnh theo khu vực để phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh hiện nay của DN, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xác định do hiện nay phải tính theo giá thị trường, thẩm định chứng thư để xác định giá đất. Bên cạnh đó, Chính phủ cần triển khai các cơ chế chính sách nhằm ổn định chi phí sản xuất, kinh doanh, ổn định giá thuê đất, giá điện, nước xăng, dầu… để DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.



(Theo KTĐT)

Theo cohoigiaothuong.com.vn

View more random threads: