Cơ hội giao thương - Từ ngày 15/4/2014, Tổng cục Hải quan đã triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS nhằm hiện đại hóa Hải quan. Tuy nhiên, việc áp dụng khai Hải quan qua Hệ thống phần mềm mới này đã bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất xuất khẩu của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng.




May comple tại Tổng công ty May 10.

Từ ngày 15/4/2014, Tổng cục Hải quan đã triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS nhằm hiện đại hóa Hải quan. Tuy nhiên, việc áp dụng khai Hải quan qua Hệ thống phần mềm mới này đã bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất xuất khẩu của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng.
Quá nhiều bất cập
Hệ thống VNACCS/VCIS là phần mềm tin học quản lý việc thông quan của Hải quan Nhật Bản thuộc Dự án triển khai thực hiện Hải quan điện tử và Một cửa quốc gia nhằm hiện đại hóa Hải quan. Ngỡ là hiện đại, nhưng chỉ vừa áp dụng, hệ thống này đã bộc lộ quá nhiều bất cập. Các doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn Hà Nội đều có ý kiến phản ứng về việc áp dụng khai Hải quan qua hệ thống tự động của Nhật Bản.
Theo đại diện Tổng công ty May Đức Giang, chỉ sau 3 ngày triển khai phần mềm mới, May Đức Giang đã bị tồn đọng hàng trăm lô hàng xuất, lô hàng nhập ở các cảng chưa làm được thủ tục Hải quan. Các dây chuyền sản xuất của May Đức Giang đã phải tạm dừng vì không có nguyên phụ liệu, hàng ngàn công nhân phải chờ việc, bị khách hàng phạt vì vi phạm hợp đồng và ngừng đặt hàng… Thiệt hại đối với doanh nghiệp là quá lớn.
Tương tự, đại diện Công ty May đáp Cầu cũng cho biết, do toàn bộ hệ thống mạng của công ty không khai được, nên công ty không mở được tờ khai thông quan hàng hóa, mà chỉ mở được tờ khai xuất, nhưng cũng rất vất vả, khó khăn. Do tiến độ giao hàng gấp, thời gian giao hàng phải đúng hạn, nên các công ty có nguy cơ phải giao hàng bằng máy bay, mà chi phí chuyển hàng bằng máy bay rất lớn, chỉ cần 1 container giao hàng bằng máy bay thì số tiền đã lên tới mấy chục ngàn Đô la Mỹ rồi.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật, hàng sản xuất xuất khẩu được hưởng ân hạn thuế là 275 ngày, nhưng hiện tại, với phần mềm mới này, lại yêu cầu DN phải nộp thuế ngay, trái với quy định, gây khó khăn cho DN. Hơn nữa, theo đại diện Công ty May Đáp cầu, trên hệ thống mới này không có thanh toán khấu trừ, trả chậm là không được hưởng ân hạn thuế. Theo các DN, như vậy là “nhà nghèo lại chơi hoang!”. Bởi khách hàng nước ngoài là bạn hàng lâu năm, họ cho DN trả chậm, vậy tại sao lại không thể mở tờ khai nhập được?
Do số lượng tiêu chí của tờ khai nhập và tờ khai xuất tăng gấp 3 lần so với số tiêu chí của tờ khai cũ, xuất khẩu 80 tiêu chí, nhập khẩu 96 tiêu chí, hơn nữa, các tiêu chí khai báo được sử dụng mã số, trong đó dữ liệu bên trong trộn chung nhiều loại hình, thông tin của tất cả các khu vực trên toàn quốc, do vậy mà mất nhiều thời gian tìm kiếm, dễ gây nhầm lẫn. Thời gian khai nhập số liệu tăng gấp 1,5 lần, chưa kể sai sót phát sinh. DN đã phải tăng gấp đôi lượng người cho bộ phận khai báo xuất nhập khẩu nhưng vẫn rất chậm. Không chỉ DN mà cả Hải quan nguồn lực cũng mỏng, Hải quan không thể giải quyết kịp, dẫn đến ùn ứ hồ sơ và hậu quả là còn tồn đọng rất nhiều lô hàng chưa khai báo nhập được, lượng hàng hóa thông quan vẫn chỉ đạt được 30-40%.
Cần có quy định về lộ trình áp dụng
Thấy được những bất cập do áp dụng khai Hải Quan theo phần mềm mới, Tổng cục Hải quan cũng đã tích cực xử lý, tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết được vấn đề then chốt.
Do các khó khăn gặp phải trong khai báo hải quan theo phần mềm mới, các DN dệt may đang bị ách tắc nhiều lô hàng nhập khẩu cho sản xuất xuất khẩu. Hiện các đơn vị sản xuất xuất khẩu dệt may lớn như Tổng công ty May 10, Tổng công ty May Đức Giang, May Đáp Cầu, May Hồ Gươm, May Hai JSC… đang bị tồn đọng hàng trăm lô hàng xuất và lô hàng nhập ở các cảng chưa làm được thủ tục Hải quan, mặc dù đã đủ điều kiện để khai báo hải quan và giải phóng hàng, tương đương với hàng ngàn m3 hàng hoá đang bị lưu kho bãi, trong khi hàng chục ngàn công nhân đang phải chờ việc do thiếu nguyên phụ liệu sản xuất.
Các DN dệt may đều cho rằng, việc gặp khó khăn ở cả đầu nhập nguyên vật liệu và xuất khẩu, đã làm thời gian dành cho sản xuất bị ngắn đi, buộc DN để đáp ứng thời gian giao hàng phải huy động công nhân làm thêm giờ, tăng chi phí, không đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, giảm sức cạnh tranh của DN.
Theo bà Đặng Phương Dung- Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam, việc áp dụng phần mềm Hải quan mới đã không đạt được các mục tiêu mà ngành Hải quan đặt ra như: giảm thời gian, chi phí, đơn giản, tạo thuận lợi cho DN, thậm chí là đang diễn ra theo chiều ngược, gây khó khăn hơn cho DN, tăng chi phí, thủ tục phức tạp, khó thực hiện hơn… Nguyên nhân chủ yếu, theo bà Dung, đó là phần mềm này là của Hải quan Nhật Bản, trong khi, cách thức, phương thức kinh doanh thương mại của Việt Nam không giống với điều kiện, hoàn cảnh, cách thức của Nhật Bản- một nước phát triển khác xa Việt Nam.
Bà Đặng Phương Dung đề nghị, cần có sự chuẩn bị kỹ càng cả về cơ sở hạ tầng về tin học, thiết bị, đường truyền, tập huấn cho nhân viên hải quan, các DN để nắm rõ, thực hiện thống nhất, tránh tình trạng khi đã áp dụng đại trà mà vẫn có nhiều bộ phận hải quan ngoài cửa khẩu chưa nắm được yêu cầu, cách thức tiến hành... như hiện nay; Kịp thời nghiên cứu, bổ sung hoặc có hướng dẫn cách giải quyết tạm thời trong khi phần mềm chưa thể được điều chỉnh, sửa đổi kịp thời, tránh tình trạng “bất lực” và giải quyết không kịp thời các vấn đề phát sinh gây thiệt hại nghiêm trọng mà DN đang phải gánh chịu, do việc áp dụng cấp tập khi chưa đủ thời gian nghiên cứu, thử nghiệm.
Bà Đặng Phương Dung- Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam:
Cần tập trung tìm giải pháp giảm thiểu khó khăn gây cho sản xuất xuất khẩu do yêu cầu khai Hải quan mới gây ra, đồng thời, nên có quy định về lộ trình áp dụng như với phần mềm khai hải quan điện tử trước đây. Trong thời gian thử nghiệm, nên cho phép sử dụng song song cả phương thức khai báo trước đây và phương thức khai báo mới cho tới khi cả cơ quan hải quan và DN đã thành thục.

Lê Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn