Cơ hội giao thương - 6 tháng đầu năm nay, giá phân bón thế giới lẫn trong nước đều có xu hướng giảm. Các đơn vị sản xuất phân đạm trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn như cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ, bù chi phí cho quy định siết chặt tải trọng từ tháng 4/2014…




Đạm Phú Mỹ đã mở hàng trăm hội thảo trên cả nước để hướng dẫn kỹ thuật bón phân hiệu quả đến với bà con nông dân.

6 tháng đầu năm nay, giá phân bón thế giới lẫn trong nước đều có xu hướng giảm. Các đơn vị sản xuất phân đạm trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn như cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ, bù chi phí cho quy định siết chặt tải trọng từ tháng 4/2014…
Trong bối cảnh khó khăn chung, nhờ tìm được hướng đi đúng nên một số doanh nghiệp trong nước vẫn vững vàng.
Giá urê giảm mạnh
6 tháng đầu năm 2014 ghi nhận thị trường phân bón thế giới nguồn cung dồi dào, giá giảm, tồn kho nhiều. Giá urê xuống mức rất thấp, chỉ còn dao động khoảng 290-300USD/tấn, giảm nhiều so với thời điểm 2013 (thường từ 320-330USD/tấn). Theo đà giảm của thế giới, thị trường urê trong nước cũng khá trầm lắng. Các DN trong nước rất khó khăn khi phải cạnh tranh với urê giá rẻ từ nước ngoài, vì còn phải gánh thêm chi phí vận chuyển tăng cao do bắt đầu từ tháng 4, trên cả nước áp dụng quy định siết chặt tải trọng đường bộ. Ước tính mỗi tấn phân bón, các DN phải bù thêm 400-500.000đ chi phí vận chuyển.
Chính vì đi xuống theo giá thế giới nên biểu đồ giá urê trong nước có chiều hướng giảm dần từ đầu năm đến nay. Giá cao điểm của urê từ tháng 1 đến tháng 3 dao động khoảng 8.500- 8.800đ tại thị trường miền Bắc, nhưng giảm còn khoảng 8.000 - 8.200đ vào tháng 5-6 (với đạm Phú Mỹ). Với đạm Ninh Bình, giá còn giảm hơn nhiều, 8.000đ trong tháng 1 đến tháng 3 và giảm hẳn xuống chỉ còn 7.000đ trong tháng 4 đến nay (bằng giá urê Trung Quốc). Tình hình khó khăn chung do phải cạnh tranh gay gắt với urê giá rẻ từ Trung Quốc. Trong đó khó nhất là đạm Ninh Bình. Là cái tên “sinh sau đẻ muộn” nhất trong 3 thương hiệu urê cả nước (sau đạm Phú Mỹ, đạm Hà Bắc) nên đạm Ninh Bình khó lại chồng khó khi vừa phải cạnh tranh với các thương hiệu sẵn có trên thị trường, lại phải vừa cạnh tranh với urê giá rẻ từ Trung Quốc. Chính vì thế, từ đầu năm đến nay, giá urê Ninh Bình chỉ xấp xỉ hoặc nhỉnh hơn một chút so với urê Trung Quốc, nhưng vẫn khó tiêu thụ.
Tìm hướng đi riêng trong khó khăn chung
Trong bối cảnh khó khăn chung, thương hiệu đạm Phú Mỹ vẫn có hướng đi riêng để khắc phục. Ông Cao Hoài Dương- Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFFCo- nhà sản xuất kinh doanh phân bón Phú Mỹ và hóa chất)- cho biết: nhờ chính sách kinh doanh linh hoạt, đa dạng nên PVFCCo vẫn đứng vững được trên thị trường. Khắc phục việc tăng chi phí do siết chặt tải trọng từ tháng 4 năm nay, PVFCCo đã tìm mọi cách phát huy ưu thế của hệ thống kho đầu mối, kho trung chuyển. Chính vì thế, trong bối cảnh siết chặt tải trọng, PVFCCo vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy định của luật pháp, vừa đảm bảo cung ứng, điều chuyển hàng kịp thời. 6 tháng đầu năm, tại các thị trường, đạm Phú Mỹ vẫn giữ vững thị phần với 25% ở khu vực miền Bắc, 70% ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, 75% khu vực Đông Nam Bộ, 35% khu vực Tây Nam Bộ. Ngoài urê, các sản phẩm khác của PVFCCo như NPK Phú Mỹ, Kali Phú Mỹ, DAP Phú Mỹ, SA Phú Mỹ cũng đang thâm nhập, mở rộng thị phần và bước đầu chiếm được sự tin dùng của bà con nông dân.
Với riêng mặt hàng urê, PVFFCo luôn đặt vấn đề ổn định thị trường trong nước lên hàng đầu. Nếu thị trường trong nước đã ổn định hoặc dư thừa nguồn phân bón mới tính đến chuyện xuất khẩu. Mấy năm gần đây, nguồn cung urê trong nước đã vượt cầu. Hiện năng lực sản xuất của tất cả các nhà máy trong nước đã đạt 2,3 triệu tấn. Trong khi nhu cầu cả nước chỉ 1,9-2 triệu tấn. Dự kiến cuối tháng 8 này, khi dây chuyền số 2 của Nhà máy đạm Hà Bắc hoàn thiện, sẽ thêm 300.000 tấn, nâng công suất cả nước lên thành 2,6 triệu tấn/năm. Như vậy, urê trong nước sẽ vượt nhu cầu 30%. Trong khi diện tích đất nông nghiệp, nhất là diện tích trồng lúa ngày càng thu hẹp, nông dân lại đa dạng hóa nguồn phân bón chứ không chỉ bón mỗi đạm urê. Chính vì thế, các DN trong nước đã phải tính đến con đường xuất khẩu từ mấy năm nay.
Nhắm vào 2 thị trường chính là Campuchia và Myanmar, PVFCCo đã đạt được những thành tựu nhất định trong xuất khẩu phân bón. Ông Cao Hoài Dương phân tích, đây là 2 nước có nền nông nghiệp phát triển nhưng chưa có một cơ sở sản xuất phân bón nào. Chính vì thế, còn rất nhiều tiềm năng để xuất khẩu phân bón sang 2 nước này. Công tác marketing cũng được đổi mới với phương châm vì người nông dân. PVFCCo tiếp tục tổ chức hàng trăm hội thảo giới thiệu sản phẩm đi kèm với hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp, sử dụng phân bón cho bà con.
Trong các hội thảo, PVFCCo luôn hướng dẫn và khuyến khích bà con bón phân vừa đủ, tránh lãng phí không cần thiết. Đây là cách làm rất hiệu quả, vừa góp phần nâng cao kiến thức cho bà con nông dân, lại giúp đưa nguồn phân bón chính hãng, chất lượng đến tận tay bà con, trong bối cảnh phân bón giả, kém chất lượng vẫn hoành hành.
Nguyễn Duyên-Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn