Cơ hội giao thương - Diễn biến trên Biển Đông đã khiến các doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường cũng như tránh lệ thuộc vào nguyên liệu đầu vào.




Doanh nghiệp trong nước không nên quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Diễn biến trên Biển Đông đã khiến các doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường cũng như tránh lệ thuộc vào nguyên liệu đầu vào.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian qua, nền kinh tế nước ta tiếp tục ổn định, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, xuất khẩu tăng khá, lạm phát được kiểm soát, giải ngân FDI có xu hướng tăng.
Báo cáo động thái doanh nghiệp 6 tháng đầu năm nay của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn so với 6 tháng cuối năm 2013 và được dự báo sẽ tiếp tục tốt hơn vào 6 tháng cuối năm 2014.
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 4,2% doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giảm so với mức 7,6% của năm 2013. Nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngừng hoạt động chủ yếu do không tìm được thị trường đầu ra, giá cả nguyên vật liệu đầu vào cao... Tuy vậy, theo dự báo của các nhà kinh tế, hai yếu tố này sẽ được cải thiện trong 6 tháng cuối năm, vì tổng doanh thu của các doanh nghiệp đang được cải thiện.
Bà Đoàn Thị Quyên, Viện Phát triển doanh nghiệp, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Nhiều dấu hiệu cho thấy, yếu tố lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2014 đã tăng lên.
“Mặc dù chỉ số dự cảm chỉ đạt 3 điểm, nhưng một điều đáng lưu ý là từ khi bắt đầu khảo sát được thực hiện từ năm 2010 thì đây là lần đầu tiên mà yếu tố về lợi nhuận được doanh nghiệp dự cảm mang giá trị dương. Điều này phát đi một tín hiệu đáng mừng đối với doanh nghiệp, giúp chúng ta kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm nay sẽ có nhiều doanh nghiệp kinh doanh có lãi hơn”, bà Quyên cho biết.
Sự lạc quan của doanh nghiệp dựa trên điều kiện kinh doanh, đạt mức tốt nhất kể từ năm 2011 đến nay. Trong 5 tháng đầu năm nay, đã có gần 22% doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch doanh thu 2014, trong đó có đến gần 28% doanh nghiệp đạt trên 90% kế hoạch và trên 16% đạt trên 70% kế hoạch.
Đa số các doanh nghiệp trong nước cảm nhận tốt về mức độ tiếp cận thông tin thị trường, công nghệ, nhu cầu thị trường quốc tế... Đặc biệt là việc tiếp cận vốn vay 6 tháng đầu năm đã dễ dàng hơn, do lãi suất cho vay thấp hơn và các thủ tục vay vốn được thông thoáng.
Bà Nguyễn Hải Yến, Giám đốc kinh doanh, Công ty trại giống Việt – Nhật, tỉnh Ninh Bình cho biết, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thay đổi mẫu mã sản phẩm để chiếm lĩnh và mở rộng thị trường.
“Trong kế hoạch 6 tháng cuối năm, doanh nghiệp đang có những chính sách mới và thay đổi những chiến lược kinh doanh, bằng việc thay đổi mẫu mã sản phẩm, để tiếp cận với thị trường mang một phong thái mới hơn và có sản phẩm mới hơn để làm mới cho doanh nghiệp và làm mới sản phẩm để thu hút khách hàng”, bà Yến chia sẻ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, với việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ gây ra những tác động nhất định đối với nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2014.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam diễn biến trên Biển Đông hiện nay khiến các doanh nghiệp phải nhận định lại tình hình. Phải đa dạng hóa thị trường và tránh lệ thuộc vào việc nhập nguyên liệu "đầu vào" từ phía Trung Quốc.
Bà Phạm Thị Thu Hằng cũng cho rằng, đây vừa là thách thức, nhưng đồng thời vừa là cơ hội tốt cho doanh nghiệp tái cơ cấu việc kinh doanh và đẩy mạnh hơn việc khai thác thị trường nội địa, cũng như xâm nhập vào các thị trường mới để tránh bị phụ thuộc.
“Một điểm đáng lưu ý cho cộng đồng doanh nghiệp là nguyên liệu nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam phần lớn chỉ sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp. Điều này cho thấy, nếu có một định hướng tốt hơn trong vấn đề đổi mới công nghệ, chúng ta sẽ không phụ thuộc vào những nguyên liệu của Trung Quốc, thay vào đó là những nguyên liệu trong nước và một số nước khác”, bà Hằng cho biết.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ. Các chính sách quản lý chi phí cũng cần tập trung vào việc rà soát, cắt giảm các chi phí không cần thiết, tạo tiền đề để hạ giá thành sản phẩm.
Bên cạch đó, các doanh nghiệp tập trung nâng cao năng lực, tiếp cận và mở rộng thị trường, bao gồm cả thị trường đầu vào và đầu ra, trong đó đặc biệt chú ý đến các thị trường mới, giàu tiềm năng. Đồng thời, doanh nghiệp phải chủ động cơ cấu lại quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro.


(Theo VOV Online)

Theo cohoigiaothuong.com.vn

View more random threads: