Cơ hội giao thương - Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn ngành dệt may đã xuất khẩu đạt 10,21 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may tại các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU đều đạt mức tăng trưởng cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu của các thị trường này.




Tập đoàn Dệt May đang tập trung đẩy mạnh các dự án đầu tư để hoàn thiện chuỗi cung ứng Sợi - Dệt - Nhuộm hoàn tất - May,

Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn ngành dệt may đã xuất khẩu đạt 10,21 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may tại các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU đều đạt mức tăng trưởng cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu của các thị trường này.
Từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của ngành dệt may tương đối ổn định. Tháng 5 tuy chịu ảnh hưởng nhất định từ tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhưng với uy tín và sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, ngành dệt may Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá, các doanh nghiệp dệt may đều có đủ đơn hàng sản xuất ổn định.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2014, sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên đạt 157,8 triệu m2, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2013; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo ước đạt 358,6 triệu m2, tăng 2,1% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 1.396,6 triệu cái, tăng 10,6%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 9,25 tỷ USD tăng 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại đạt 1,17 tỷ USD tăng 20,0%.
Tính riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,62 tỷ USD, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, Tập đoàn đang tập trung đẩy mạnh các dự án đầu tư để hoàn thiện chuỗi cung ứng Sợi - Dệt - Nhuộm hoàn tất - May, nhằm đa dạng hóa nguồn cung, tăng tỷ lệ nội địa hóa và dần hướng theo phương thức sản xuất ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm). Với hệ thống quản trị tốt cùng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, Vinatex tiếp tục là doanh nghiệp đầu ngành, dẫn dắt toàn ngành dệt may hoạt động ngày một chuyên nghiệp hơn, nâng cao giá trị gia tăng của hàng dệt may Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đây sẽ mở ra cơ hội tăng kim ngạch và thị phần xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào các nước và khu vực này trong các năm tới. Tuy nhiên, ngành dệt may còn gặp nhiều khó khăn khi vẫn lệ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Vì vậy, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, ngành dệt may cần có giải pháp đầu tư mạnh hơn trong việc phát triển sản xuất nguyên phụ liệu để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm xuất khẩu. Mục tiêu cuối cùng là nhằm hình thành và nâng cao chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, khép kín quy trình sản xuất từ sợi dệt-nhuộm hoàn tất-may đồng thời chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm).



Lê Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn

View more random threads: