Cơ hội giao thương - 5 doanh nghiệp bán lẻ lớn của Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” tại hội thảo “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm và kinh nghiệm đăng ký ở châu Âu” diễn ra sáng nay (22/7).




Các đại biểu dự hội thảo trao đổi cách ghi nhãn nước mắm với chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc.

5 doanh nghiệp bán lẻ lớn của Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” tại hội thảo “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm và kinh nghiệm đăng ký ở châu Âu” diễn ra sáng nay (22/7).
Sự kiện này là dấu mốc quan trọng vì Hà Nội là thị trường lớn của cả nước, và là địa bàn trung chuyển hàng hóa nội địa cũng như xuất nhập khẩu.
Đây là sự kiện kết thúc Tuần lễ truyền thông Chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam với sự tài trợ của Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (EU – Mutrap) tổ chức diễn ra từ ngày 15 đến 22/7/2014.
Với hơn 100 doanh nghiệp sản xuất, hàng năm, Phú Quốc cung cấp ra thị trường hơn 30 triệu lít nước mắm, mang lại doanh thu hơn 600 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.
Hiện nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên được bảo hộ trong nước về chỉ dẫn địa lý và là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tại Liên minh châu Âu, đưa Việt Nam trở thành một trong năm quốc gia ngoài châu Âu có sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường này.
Theo ông Bryan Fornari- Phó ban hợp tác và phát triển phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, giấy Chứng nhận tên gọi xuất xứ (PDO) là một công cụ tiếp thị quan trọng, giúp cho nước mắm Phú Quốc bán chạy hơn ở EU và các thị trường khác, nhưng đây mới chỉ là bước đầu. Cần phải nghiên cứu làm sao chứng chỉ PDO có thể đem lại lợi nhuận thông qua một chiến lược tiếp thị hiệu quả, cho phép thương hiệu sản phẩm trở nên nổi tiến bởi chất lượng cảu sản phẩm đó, đây là một thách thức đang ở phía trước.
Ông Trần Hữu Nam- Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho rằng, việc phân phối-kinh doanh sản phẩm nước mắm đủ điều kiện được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Phú Quốc không chỉ đơn thuần là lợi ích thương mại mà còn thể hiện trách nhiệm, đóng góp cho sự phát triển chung của chỉ dẫn địa lý Phú Quốc nói riêng và chỉ dẫn địa lý Việt Nam nói chung.

Lễ ký thỏa thuận hợp tác thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” giữa Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc với Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, đây là lần đầu tiên, chỉ dẫn địa lý Phú Quốc sản phẩm nước mắm được giới thiệu một cách chính thức và quy mô đến người tiêu dùng, đến các đơn vị phân phối tại Hà Nội. Hội thảo hướng tới các nhà phân phối và người tiêu dùng nước mắm nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phân phối và sử dụng đúng sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc”, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, chống hàng giả hàng nhái cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng và quyền lợi người tiêu dùng. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”– Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, đã diễn ra lễ ký thỏa thuận hợp tác thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” giữa Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc với 5 doanh nghiệp phân phối lớn tại miền Bắc là: Hapro, Fivimart, Công ty cổ phần Đồng Xuân, Oceanmart, và Big C Thăng Long.
Ông Nguyễn Tiến Vượng- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, thực ra, hệ thống siêu thị HaproMart của Tổng công ty đã phân phối sản phẩm nước mắm Phú Quốc từ lâu. Và việc ký kết thỏa thuận hợp tác này sẽ giúp cho siêu thị cũng như người tiêu dùng nhận biết được rõ những sản phẩm nào đúng là sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc”, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm có chỉ dẫn địa lý.

Lê Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn

View more random threads: