Cơ hội giao thương - Nhận nhiều ưu đãi, vốn đầu tư liên tục tăng... nhưng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn TP HCM không cao.


Nhận nhiều ưu đãi, vốn đầu tư liên tục tăng... nhưng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn TP HCM không cao.
TP HCM có tổng cộng 108 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Báo cáo mới công bố về thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố cho thấy, năm 2011 tổng vốn chủ sở hữu giao cho các đơn vị này quản lý hơn 46.100 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2010. Sang năm 2012, số vốn đầu tư tăng hơn 16,6% lên gần 53.800 tỷ đồng và đến 2013, lên sát 54.000 tỷ đồng.
Doanh thu của các doanh nghiệp Nhà nước không ổn định và có xu hướng giảm. Năm 2011, doanh thu đạt gần 157.400 tỷ đồng, qua 2012 giảm xuống còn 122.500 tỷ đồng và đến 2013 thì còn hơn 84.700 tỷ đồng. Theo Thành phố, phần lớn doanh nghiệp Nhà nước là có lãi, số thua lỗ chiếm tỷ lệ thấp. TP HCM cho rằng, đây đã là nỗ lực lớn của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn.


Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả nhưng vẫn được ưu tiên vốn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 2014 -2015 hồi đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng chia sẻ kết quả, đóng góp của doanh nghiệp Nhà nước thời gian vừa qua là đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa tương xứng với nguồn lực, lợi thế của doanh nghiệp Nhà nước, chưa tương xứng với mong muốn, yêu cầu của nền kinh tế. Do đó, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chính phủ trong hai năm này.
"Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để có vốn đầu tư vào lĩnh vực khác, nhưng quan trọng là khi đa dạng hóa sở hữu, sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có động lực để kiểm soát đồng vốn của mình tốt hơn, minh bạch hơn". Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguyên nhân khiến hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư được các chuyên gia cho rằng, đó là do đầu tư tràn lan. Thời gian qua, không ít các doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư sang cả các lĩnh vực không phải là thế mạnh của mình.
Theo báo cáo của TP HCM, trong ba năm qua (2011-2013) tình hình đầu tư tài chính ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn thành phố liên tục tăng. Năm 2011, tổng các khoản đầu tư ngoài ngành hơn 9.600 tỷ đồng. Năm 2012 lên gần 10.400 tỷ đồng và đến 2013 là trên 11.400 tỷ đồng.
Với đề án tái cơ cấu các Tổng công ty, công ty mẹ-con giai đoạn 2012-2015 đã được xây dựng, trong đó yêu cầu các đơn vị này tiến hành thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực không thuộc ngành nghề chính. Tuy nhiên, Thành phố cho biết, mấy năm qua do đang trong giai đoạn đầu thực hiện nên kết quả còn hạn chế. Hơn nữa, việc phê duyệt đề án tái cơ cấu diễn ra cuối năm 2013, đầu năm 2014 nên trước đó, doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào tái cơ cấu các ngành nghề sản xuất kinh doanh chính.
Chính vì vậy, số vốn đã thoái trong giai đoạn 2011-2013 của 14 Tổng công ty, công ty theo giá trị sổ sách chỉ mới đạt 30,19 tỷ đồng, giá trị thu được thực tế là 30,8 tỷ đồng. Dự kiến năm 2014, giá trị thoái vốn ra ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn là 1.480 tỷ đồng.
Thời gian tới, TP HCM cũng dự định chuyển 33 công ty hoạt động độc lập về làm thành viên của 17 Tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình mẹ-con, đồng thời tiến hành cổ phần hoá theo kế hoạch được duyệt.


(Theo VnExpress)

Theo cohoigiaothuong.com.vn

View more random threads: