Cơ hội giao thương - Trung tâm Nghiên cứu lúa lai Syngenta là trung tâm về nghiên cứu và phát triển lúa hiện đại đầu tiên tại Việt Nam với tổng kinh phí giai đoạn I trên 30 tỉ đồng đã được khánh thành hôm nay (14/8/), tại xã Tân Thịnh (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).




Khánh thành Trung tâm Nghiên cứu lúa lai Syngenta tại Nam Định.


Trung tâm Nghiên cứu lúa lai Syngenta là trung tâm về nghiên cứu và phát triển lúa hiện đại đầu tiên tại Việt Nam với tổng kinh phí giai đoạn I trên 30 tỉ đồng đã được khánh thành hôm nay (14/8/), tại xã Tân Thịnh (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
Mặc dù là một nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, song Việt Nam đang phải nhập gần 70% giống lúa lai. Tăng cường năng lực nghiên cứu và sản xuất lúa lai,tiến tới xây dựng một nền sản xuất và phân phối lúa lai trong nước một cách bền vững nhằm tạo ra nguồn cung ổn định, đa dạng các chủng loại giống lai, không phụ thuộc vào đối tác cung cấp nước ngoài, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng gạo là một trong những chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của Chính phủ Việt Nam.
Nắm bắt được nhu cầu này, Syngenta - Tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới về nông dược, công nghệ sinh học và giống cây trồng đã đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu lúa lai Syngenta trên diện tích 4 ha. Đây là trung tâm nghiên cứu lúa lai hiện đại đầu tiên tại Việt Nam, với những công nghệ mới nhất phục vụ nghiên cứu khoa học từ hệ thống máy móc, thiết bị thí nghiệm đến điều kiện thí nghiệm và tiêu chuẩn an toàn lao động... Việc thành lập trung tâm nghiên cứu lúa lai tại tỉnh Nam Định hứa hẹn sự tự chủ dần về nguồn giống lúa.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Gloverson Moro - Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Syngenta cho biết: Trung tâm này sẽ giúp tiếp tục tăng cường năng lực của Syngenta trong lĩnh vực lúa lai và xây dựng nguồn cung cấp hạt giống đa dạng cho thị trường Việt Nam. "Đội ngũ các chuyên gia Nghiên cứu & Phát triển của chúng tôi đã kết hợp các kiến thức chuyên môn cao với khả năng và nguồn lực của tập đoàn để giải quyết vấn đề cho người nông dântrồng lúa thông qua sự kết hợp các đặc tính di truyền và đặc tính hóa học của hạt lúa và chúng tôi mong muốn đáp ứng nhu cầu của người nông dân Việt Nam”, ông Gloverson Moro nói.
"Dự án đầu tư này thể hiện cam kết tiếp tục gắn bó với sản xuất nông nghiệp bền vững tại Việt Namcủa chúng tôi", ông Kumar Datta, Tổng Giám đốc Syngenta Việt Nam cho biết. Ở giai đoạn một, Syngenta chủ yếu sẽ nhập khẩu nguồn gen lúa từ các trung tâm của Tập đoàn trên toàn cầu để lai tạo bằng phương pháp truyền thống, đồng thời đầu tư trang thiết bị nghiên cứu chất lượng xay xát. Hiện đã có một giống lúa được đưa vào khảo nghiệm sản xuất trong hệ thống khảo nghiệm quốc gia, dự kiến đến năm 2017 Syngenta sẽ cho ra thị trường 2-3 giống lúa lai chất lượng và năng suất cao phục vụ sản xuất.
Với chức năng nghiên cứu, lai tạo và khảo nghiệm sản xuất, mỗi năm trung tâm sẽ quan sát vài ngàn cặp lai để chọn ra vài trăm tổ hợp lai với nhau, chọn cặp triển vọng đưa vào khu sản xuất nhỏ, tiếp đó đưa vào khảo nghiệm, sản xuất thử ở quy mô địa phương và quốc gia. Syngenta hướng tới phát triển lúa lai ba dòng từ các nguồn vật liệu Ấn Độ, Trung Quốc và IRRI với mục tiêu tạo ra sản phẩm thương mại trong tương lai, trong đó chú trọng tới các dòng chất lượng, năng suất, kháng sâu bệnh và hơn thế nữa là những dòng lúa lai thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Ông Đỗ Hải Điền - PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định – bày tỏ hy vọng, việc ra đời Trung tâm này sẽ không chỉ có thêm những giống lúa mới mà tay nghề của đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam cũng sẽ được nâng cao. Các chuyên gia lai tạo của Syngenta tại Việt Nam có cơ hội được tiếp cận với những nguồn gen dồi dào, những công nghệ lai tạo mới nhất và học tập được những kinh nghiệm từ các chuyên gia hàng đầu thế giới, giúp rút ngắn được quá trình đưa giống ra thị trường, nâng cao tiềm năng thương mại hóa lúa giống, để Việt Nam có thể trở thành nước sản xuất và xuất khẩu giống lúa lai, mang đến những giá trị thiết thực và bền vững nhất cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam.
Giai đoạn hai Trung tâm Nghiên cứu lúa lai Syngenta dự kiến khởi động vào năm 2017, sẽ được mở rộng thêm diện tích với những phòng thí nghiệm hiện đại để ứng dụng công nghệ cao vào lai tạo như nuôi cấy bao phấn, đánh giá tính kháng sâu bệnh nhân tạo, đánh giá chất lượng hóa sinh của hạt gạo.

Ngọc Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn