Cơ hội giao thương - Sáng nay (20/8/2014), Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Đảng ủy khối DNTW đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).




Hàng Việt tại Vinatexmart có sức tiêu thụ cao.

Sáng nay (20/8/2014), Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Đảng ủy khối DNTW đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Doanh thu nội địa tăng
Tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và thực hiện chủ trương “các doanh nghiệp, ngân hàng trong khối sử dụng sản phẩm của nhau”, ông Lê Tiến Trường – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Vinatex cho biết: Chủ trương của cuộc vận động cũng chính là chiến lược phát triển của tập đoàn. Sau 5 năm thực hiện, tổng doanh thu nội địa của tập đoàn tăng dần từ năm 2010 đạt 15.740 tỷ đồng, năm 2011 đạt 18.518 tỷ đồng, năm 2012 đạt 19.700 tỷ đồng tăng 6,4% so với 2011, năm 2013 đạt 20.800 tỷ đồng, tăng 6% so với 2012, năm 2014, ước tăng 6,3% so với năm 2013, đạt 22.200 tỷ đồng.
5 thực hiện cuộc vận động cũng đánh dấu thành công của chiến lược phát triển thương hiệu của các đơn vị trong Vinatex, khẳng định được vị thế, khả năng cạnh tranh với các nhãn hiệu hàng hoá nước ngoài trên thị trường Việt Nam. Tổng số cửa hàng, đại lý trên toàn quốc của các đơn vị thành viên Vinatex đạt 4.125, tăng trên dưới 5%/ năm và dự kiến đạt tổng số 4.286 trong năm 2014.
Việc triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương đã đóng góp không nhỏ vào doanh thu nội địa của tập đoàn”, ông Lê Tiến Trường cho biết. Các đơn vị như Tổng công ty Đức Giang, Tổng công ty May 10, Tổng công ty Nhà Bè, Tổng công ty May Việt Tiến... đã thực hiện cung ứng sản phẩm theo Thỏa thuận cung cấp bảo hộ lao động, đồng phục với các Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam, Hóa chất Việt Nam, Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam, Thép Việt Nam, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội, Tổng công ty CP Bia-Rượu- NGK Sài Gòn, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam với tổng trị giá lên tới gần 55,6 tỷ đồng.
Tập đoàn và các đơn vị thành viên như Công ty kinh doanh hàng thời trang Việt Nam- Vinatexmart, Tổng công ty May 10 với hệ thống M10 Mart… còn chủ động ký kết hợp đồng mua và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương và Đảng bộ Khối như Tổng công ty Bia-rượu-Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty dầu thực vật VN, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam… với tổng giá trị lên tới hơn 57 tỷ đồng.
Đưa hàng Việt về nông thôn
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã đánh giá cao những nỗ lực của Vinatex. Thứ trưởng cho rằng, Vinatex đã làm tốt hoạt động kinh tế cũng như nhiệm vụ chính trị, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và thực hiện chủ trương “các doanh nghiệp, ngân hàng trong khối sử dụng sản phẩm của nhau”.
Nâng tỷ lệ nội địa hóa dệt may không phải dễ, nếu không có chỉ đạo quyết liệt từ chính các doanh nghiệp trong Tập đoàn”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh. Có định hướng đúng, chỉ đạo quyết liệt, thậm chí đưa vào chỉ tiêu hoạt động, Tập đoàn Dệt may Việt Nam là một trong ba đơn vị thuộc Bộ Công Thương được khen, đi đầu trong việc kết nối sử dụng sản phẩm của nhau.
Nhằm đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới, Vinatex chủ trương triển khai đưa hàng Việt về nông thôn thông qua việc kết nối mạng lưới tiêu thụ nội bộ trong tập đoàn giữa các đơn vị thành viên, không ngừng nỗ lực đưa sản phẩm dệt may Việt Nam đến mọi miền đất nước, đặc biệt tới vùng sâu vùng xa để tuyên truyền và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.


Hoàng Hải

Theo cohoigiaothuong.com.vn