Cơ hội giao thương - Hiện Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi 2013 vẫn quy định mức khống chế quảng cáo khuyến mại là 15% trên tổng chi phí của DN. Điều này đã hạn chế DN quảng bá hình ảnh, sản phẩm, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường.




Quảng cáo pano ngoài trời chi phí cao.

Hiện Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi 2013 vẫn quy định mức khống chế quảng cáo khuyến mại là 15% trên tổng chi phí của DN. Điều này đã hạn chế DN quảng bá hình ảnh, sản phẩm, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường.
Quy định trần chi phí, hạn chế DN phát triển
Quy định khống chế mức chi phí quảng cáo khuyến mại có từ 15 năm nay, và đã nhiều lần bị đề nghị dỡ bỏ bởi sự bất hợp lý, trói tay DN, hạn chế năng lực cạnh tranh của DN cũng như của cả nền kinh tế.
Trong các lần lấy ý kiến về việc dỡ bỏ trần quảng cáo, khuyến mại trước đây, bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam – cho rằng: Giới thiệu, quảng bá thương hiệu có vai trò cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến sự thành bại của DN. Nếu quảng cáo ít sẽ khó khăn trong xây dựng thương hiệu, không phát triển được sản xuất. Trong khi các DN nước ngoài chi rất nhiều cho hoạt động quảng cáo, việc khống chế trần chi phí quảng cáo quá thấp sẽ làm hạn chế thông tin sản phẩm của các doanh nghiệp Việt, khiến DN Việt Nam khó tiêu thụ hàng hơn. Vì vậy, “không nên khống chế trần chi phí quảng cáo vì đây là chi phí thực tế của DN, nên để DN được chủ động quyết định chi cho những khoản nào thấy cần thiết”, Hiệp hội Dệt may kiến nghị.
Đồng quan điểm, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, việc khống chế chi phí này sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa các DN. Nếu bỏ giới hạn mức chi hợp lý thì vừa khuyến khích khả năng sáng tạo, kinh doanh và thu lợi nhuận của DN, Nhà nước cũng không thất thu bởi khoản chi này đồng thời là khoản thu của DN quảng cáo mà Nhà nước đã đánh thuế.
Chia sẻ với những khó khăn của DN, ông Phạm Thành Minh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội quảng cáo Hà Nội – cho rằng, việc đầu tư cho các kênh quảng cáo ngày càng đắt. Ví dụ về quảng cáo ngoài trời, theo quy hoạch quảng cáo, số vị trí quảng cáo là có hạn nhưng số lượng doanh nghiệp muốn tham gia quảng cáo đông, do tính cạnh tranh nên giá quảng cáo ngày càng cao khiến cho chi phí quảng cáo tại doanh nghiệp cũng tăng lên đáng kể.
Cần để DN chủ động chi phí
Nhằm tiếp tục kiến nghị Quốc hội dỡ bỏ hoàn toàn trần chi phí quảng cáo và khuyến mại trong kỳ họp tháng 10/2014, ngày 25/9, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã cùng các hiệp hội DN, ngành hàng lấy ý kiến về vấn đề này. Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam – cho biết,trong suốt hơn 10 năm qua, nhiều nghiên cứu, phân tích, kiến nghị của DN, các hiệp hội DN, của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã cho thấy, sự cần thiết phải dỡ bỏ mức khống chế chi phí quảng cáo khuyến mại nhằm dành cho DN quyền chủ động và tự do kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Phân tích những lợi ích từ việc dỡ bỏ trần quảng cáo, khuyến mại đem lại, bà Mỹ Loan cho rằng, nếu được thực hiện, quyết định này sẽ khuyến khích DN phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm mới trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, khuyến khích khả năng sáng tạo, kinh doanh của DN. “Việc dỡ bỏ mức trần chi phí quảng cáo và khuyến mại sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam từ cả ba góc độ:cho nền kinh tế, người tiêu dùng và cho cộng đồng DN’, bà Loan nhấn mạnh.
Trước những ý kiến cho rằng, dỡ bỏ trần quảng cáo, khuyến mại, các DN Việt Nam sẽ bị các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chèn ép, bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, thực ra các DN FDI đã được đầu tư xây dựng thương hiệu từ lâu trước khi đến Việt Nam. Hơn nưa, DN muốn cạnh tranh phải được chủ động trong mọi quyết định về chi phí kinh doanh của mình, cả về xây dựng thương hiệu cũng như thực hiện các hoạt động quảng cáo khuyến mại. “Vấn đề nổi cộm nhất trên thị trường nội địa và xuất khẩu hiện nay là chúng ta phải xây dựng được một số thương hiệu lớn, có sức cạnh tranh và như thế nhất thiết phải có quảng cáo, đầu tư và phát triển công nghệ” – bà Hằng nhấn mạnh.
Bà Đặng Phương Dung- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam:
Việc khống chế chi phí quảng cáo sẽ làm phát sinh nhiều tiêu cực như lách luật, trốn thuế, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Ngoài ra, còn làm giảm lợi nhuận của DN vì khó cạnh tranh, làm mất thời gian hoạch toán của cán bộ kế toán vì phải theo dõi mức trần bị khống chế.



Ngọc Liên


Theo cohoigiaothuong.com.vn