Cơ hội giao thương - Trong 9 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 17 tỷ USD, tăng trên 19% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường dệt may thế giới thu hẹp.




May quần âu tại Tổng công ty Đức Giang.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 17 tỷ USD, tăng trên 19% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường dệt may thế giới thu hẹp.
Tăng cường đầu tư vào khâu nguyên liệu
Ông Trần Việt- Trưởng Ban Thị trường Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, đến nay, các tổng công ty lớn thuộc Vinatex đã đủ đơn hàng đến hết Tết Âm lịch, không có tình trạng thiếu đơn hàng, nếu thiếu chỉ là thiếu đơn hàng cục bộ cho các nhà máy sản xuất vệ tinh chứ không phải cho năng lực sản xuất cốt lõi của các Tổng công ty lớn.
Để thực hiện mục tiêu mở rộng và tăng năng lực sản xuất, trong năm 2014, Vinatex đã triển khai tổng cộng 43 dự án, trong đó có 10 dự án sợi, 12 dự án dệt, 14 dự án may, 7 dự án khác bao gồm khu công nghiệp, nhà ở cho công nhân… với tổng mức đầu tư là 7.700 tỷ đồng. Trong đó, phần dành cho sợi, dệt chiếm 5.100 tỷ, cộng cả các khu công nghiệp chiếm 80% tổng mức đầu tư, phần còn lại là cho mở rộng quy mô sản xuất mạnh. Như vậy, chỉ riêng trong năm 2014, tổng mức đầu tư 7.700 tỷ đồng, đã giải ngân trên 800 tỷ đồng.
Vinatex cũng đặt mục tiêu vẫn tiếp tục chiến lược dài hạn và nhất quán, là tập trung đầu tư phát triển khâu nguyên liệu. Trong các năm 2013 – 2014, 80 – 90% các dự án đầu tư của Vinatex là đầu tư vào khâu nguyên liệu như sợi, vải dệt kim, thoi… để phục vụ chuỗi cung ứng của mình; thực hiện đúng chiến lược chuyển dịch từ gia công sang FOB và ODM.
Để có được những thành công này, theo ông Việt, là do tổng hợp từ nhiều yếu tố. Các DN dệt may Việt Nam có chất lượng tốt, đảm bảo thời gian giao hàng, đáp ứng được các yếu tố về trách nhiệm xã hội, chính sách về lao động…, đương nhiên yếu tố nền tảng là giá phải cạnh tranh.
Cánh cửa cơ hội rộng mở
Phác họa về những kịch bản đối với sự phát triển của ngành dệt may nói chung và của Vinatex nói riêng trong thời gian tới, ông Việt bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng, những kịch bản xấu đã xảy ra rồi. “Chúng ta đã qua hai cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 2007 – 2008, 2010 – 2012 là cuộc khủng hoảng nợ công và những khó khăn trong năm vừa qua. Khi những kịch bản xấu đó xảy ra, ngành dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng vẫn phát triển tương đối vững”, ông Việt nhấn mạnh. Trong khi thị trường dệt may thế giới thu hẹp, xuất khẩu dệt may của nhiều nước không tăng thì dệt may Việt Nam vẫn tăng, thậm chí còn tranh thủ thời gian này để giành thị phần tại một số thị trường.
Hiện nay, chi phí dệt may Việt Nam đã cao hơn một số nước như Campuchia, Băngladesh, nếu tiếp tục cạnh tranh chỉ bằng gia công thấp thì sẽ rất khó để phát triển bền vững và dành thị trường. Để ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng có thể tiến xa hơn nữa, thì không thể chỉ mãi cạnh tranh bằng giá gia công thấp. Trong chuỗi chuyển dịch dệt may toàn cầu, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn, không phải vì chi phí mà lợi hơn Băngladesh về trách nhiệm xã hội, đảm bảo các điều kiện an toàn lao động, hơn hẳn Campuchia về chất lượng, tính kỷ luật lao động…
Ngành Dệt may Việt Nam đang đón nhận những tín hiệu tích cực từ các cuộc đàm phán hiệp định FTA giữa Việt Nam - EU, FTA Việt Nam và Liên minh hải quan Nga - Belarus- Kazakhstan. Trong đó, FTA Việt Nam – EU đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso thống nhất sẽ hoàn tất trong một vài tháng tới, điều này sẽ mở ra cơ hội thị trường rất lớn cho ngành dệt may.


Ngọc Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn