Cơ hội giao thương - Thông tư số 38//2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành có nhiều điểm tiến bộ theo xu hướng cải cách và giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cả về thời gian và chi phí. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp.




Thời gian thực hiện bộ hồ sơ thuế và quy trình kiểm tra theo Thông tư 38 khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

Thông tư số 38//2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành có nhiều điểm tiến bộ theo xu hướng cải cách và giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cả về thời gian và chi phí. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Kể từ khi Thông tư 38/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2015, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã nhận được phản hồi của nhiều doanh nghiệp (DN) nêu các khó khăn vướng mắc khi thực hiện việc hoàn thuế, không thu thuế. Bà Đặng Phương Dung– Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong quá trình xây dựng Thông tư 38, kể từ khi lấy ý kiến tham vấn của DN cũng như các ngành thì rất ổn. Nhưng đến khi hoàn thành thủ tục và thực hiện những quy định có tính kỹ thuật thì đã xuất hiện nhiều vấn đề dẫn đến hệ lụy mà bản thân DN cũng không lường trước được.
Nhiều vướng mắc
Bộ hồ sơ và phần mềm hỗ trợ trong quá trình thực hiện Thông tư 38 quy định, trước ngày 01/04/2015, các DN thực hiện thanh khoản hoàn thuế, không thu thuế đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu theo Thông tư 128/2013/TT-BTC. Một bộ hồ sơ theo đó gồm các biểu mẫu báo cáo nhập-xuất-tồn vật tư, báo cáo tính thuế, các biểu mẫu này được in từ phần mềm. Tuy nhiên, theo phản hồi của các DN, hiện nay, tại khoản 1- Điều 119 Thông tư 38 quy định, doanh nghiệp nộp hồ sơ nhưng không nêu rõ các biểu mẫu, yêu cầu báo cáo kèm theo, do đó các DN không biết chuẩn bị những biểu mẫu gì để kiểm tra đối chiếu với Hải quan.
Thời gian thực hiện bộ hồ sơ thuế và quy trình kiểm tra theo Thông tư 38 cũng khiến DN gặp không ít khó khăn. Căn cứ vào quy định tại khoản 5 điều 114 và khoản 5, khoản 6 điều 129 thì việc làm hồ sơ thuế với các tờ khai nhập khẩu, xuất khẩu hàng sản xuất xuất khẩu của các DN thuộc đối tượng kiểm tra trước, hoàn thuế, không thu thuế sau và phải tiến hành kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp. Việc kiểm tra trước hoàn thuế sau theo quy định tại điều 130 thuộc thẩm quyền của Cục trưởng và do Chi cục trưởng tổ chức thực hiện. “Thực hiện theo đúng quy trình này sẽ mất rất nhiều thời gian, khó đảm bảo cho việc hoàn thành hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế trong thời gian ân hạn 275 ngày, dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế rất cao và số thuế sẽ lên tới hàng trăm tỉ đồng”, bà Dung cho biết.
Một trong những điểm vướng cần gỡ cho DN khi thực hiện Thông tư 38 là tại khoản 1 điều 60 quy định: “Thời gian nộp báo cáo quyết toán chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm tài chính, người khai hải quan nộp báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa xuất khẩu trong năm tài chính cho cơ quan hải quan”. Nếu DN đăng ký năm tài chính là hết ngày 31/12/2014 và Thông tư yêu cầu thực hiện ngay tại thời điểm 01/04/2015, thì những tờ khai xuất khẩu đã mở trước ngày 1/4/2015 chưa thanh khoản sẽ bị phạt vi phạm hành chính.
Cần nhanh chóng gỡ khó cho doanh nghiệp
Trước thực trạng trên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có công văn kiến nghị tới các cơ quan chức năng đề nghị gỡ vướng cho DN khi thực hiện Thông tư số 38/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành. Theo đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn về cách thức, quy trình, bảng biểu, cách khai truyền dữ liệu của báo cáo nhập-xuất-tồn để doanh nghiệp và cơ quan Hải quan có cách làm thống nhất (có phần mềm hỗ trợ) và dễ đối chiếu số liệu.
Về thời gian thực hiện bộ hồ sơ thuế và quy trình kiểm tra, Tổng cục Hải quan cần có hướng dẫn và bổ sung các trường hợp được xét vào diện: Hồ sơ xét hoàn thuế, không thu thuế trước kiểm tra sau. Theo bà Phương Dung, các điều kiện quy định tại khoản 5a, 5b, 5c điều 129, các DN của đều đáp ứng đầy đủ nhưng theo khoản 5 điểm d3 thì tất cả các DN có hoạt động theo loại hình sản xuất xuất khẩu thì đều xếp vào diện kiểm tra trước, hoàn thuế, không thu thuế sau. “Điều này không đúng theo thực tế quản lý rủi ro”, bà Dung cho biết, đồng thời cho rằng, với những tờ khai nhập khẩu-xuất khẩu đã mở trước ngày 1/4/2015 phải được thanh khoản theo Thông tư 128/2013/TT-BTC.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến mới đây do Bộ Công Thương tổ chức, ông Hoàng Vệ Dũng– Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may cho biết: Việc triển khai Thông tư số 38 đã khiến cho các DN gặp rất nhiều khó khăn và gây ách tắc hàng hóa. Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may đề nghị Bộ Công Thương làm việc cụ thể với Tổng cục Hải quan để gỡ khó cho doanh nghiệp về vấn đề này.
Lê Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn