Cơ hội giao thương - Mặc dù tốc độ tăng trưởng những tháng đầu năm 2015 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2014 nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm sẽ vẫn đạt được mục tiêu đề ra là 27-27,5 tỷ USD.






May veston tại Tổng công ty May 10.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng những tháng đầu năm 2015 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2014 nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm sẽ vẫn đạt được mục tiêu đề ra là 27-27,5 tỷ USD.

Đó là nhận định của ông Lê Tiến Trường- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tại buổi họp báo Công bố kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 do Tập đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức chiều 19/6, tại Hà Nội.
Báo cáo tại buổi họp báo, ông Trần Việt- Trưởng ban Tổng hợp pháp chế Vinatex- cho biết, trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 2 con số, đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2014 (tốc độ tăng trưởng năm 2014 là 19%).

Trong đó, thị trường xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất, chiếm 42% so với tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, ước đạt 5,18 tỷ USD (tăng 11,01% so với cùng kỳ năm 2014). Bên cạnh đó, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU ước đạt 1,45 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Đối với 2 thị trường châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt lần lượt là 1,3 tỷ USD và 948 triệu USD.
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu được ký kết cuối tháng 5 vừa qua, đã tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng cho ngành dệt may. Chia sẻ những cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á – Âu mang lại, ông Lê Tiến Trường cho biết, Việt Nam hiện xuất khẩu dệt may vào EEU với kim ngạch xuất khẩu trên 300 triệu USD, điểm xuất phát tại thị trường này giống tại thị trường Mỹ trước kia. Đây là thị trường đầy tiềm năng, nhưng cũng nhiều thách thức. Nếu sử dụng tốt những lợi ích từ Hiệp định bao gồm hàng rào thuế quan, đơn giản hóa thủ tục hải quan thì Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu dệt may trên 1 tỷ USD tại thị trường này.
Nói về giải pháp để ngành dệt may đạt mục tiêu xuất khẩu 27,5 tỷ USD trong năm nay, ông Lê Tiến Trường cho hay, trong bối cảnh xu thế thị trường dệt may không thuận lợi như hiện nay, để đạt được mục tiêu đề ra, ngành dệt may sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc tìm kiếm những thị trường mới, cơ hội mới, thỏa thuận ở mức cao với những tập đoàn lớn để có đơn hàng tập trung hơn trong những tháng cuối năm.
Đồng thời, để tận dụng tốt lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do mang lại, ngành dệt may đã đề nghị Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai việc phổ biến các Hiệp định Thương mại mới được ký kết, tạo điều kiện cho những chuyên gia của ngành nghiên cứu sâu các nội dung của Hiệp định để triển khai đến doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hiểu, tiếp cận Hiệp định, và hiện thực hóa các nội dung của Hiệp định hiệu quả.

Lê Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn