Cơ hội giao thương - Thiếu vốn, công nghệ lạc hậu cộng với năng lực quản trị yếu là vô vàn những khó khăn mà các doanh nghiệp dệt may 100% vốn trong nước gặp phải trong bối cảnh hội nhập sâu với thế giới.






Thiếu vốn, công nghệ lạc hậu cộng với năng lực quản trị yếu là vô vàn những khó khăn mà các doanh nghiệp dệt may 100% vốn trong nước gặp phải trong bối cảnh hội nhập sâu với thế giới.
Đây cũng là phần lớn các ý kiến được đưa ra tại hội thảo "Dệt may-Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập" do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức sáng nay (30/9), tại Hà Nội.

Thách thức nhiều hơn cơ hội

Theo Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Trần Quang Nghị, sau hội nhập, nhiều doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn thậm chí như "húc đầu vào đá" trước đối thủ lớn.

Minh họa cho ý kiến này, vị chủ tịch Vinatex cho rằng, ngành dệt may của Trung Quốc đi trước Việt Nam tới 20 năm, phần lớn máy móc đã được khấu hao hết và giờ đang là giai đoạn sinh lời. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình đầu tư mới, chất lượng lao động chưa theo kịp.

"Điều này đã gây ra sức ép cạnh tranh không nhỏ lên ngành dệt may Việt Nam khi đón đầu các Hiệp định thương mại tự do," Chủ tịch Vinatex nói.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp dệt may, nhưng phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất khá manh mún, nhỏ lẻ, trong khi việc liên kết để tạo ra năng lực cạnh tranh lớn hơn thì chưa thực sự mạnh mẽ.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Trương Thị Thanh Hà, Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân cho biết, dù là doanh nghiệp tiên phong làm ăn với Nhật Bản gần 30 năm nhưng công nghệ hiện nay vẫn khá lạc hậu, thậm chí nhiều loại máy móc đã sản xuất cách đây 20 năm.

Trong khi đó, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhất là Hiệp định FTA Việt Nam-EU hoặc TPP thì cơ hội thị trường sẽ rất lớn. Thế nhưng, doanh nghiệp không đủ lực để đầu tư một dây chuyền công nghệ hiện đại để có thể hưởng lợi từ các hiệp định này.

Bà Hà đơn cử, một dây chuyền sản xuất may người lao động có thể sử dụng được ngay, nhưng với dây chuyền dệt, nhuộm thì phải mất thời gian đào tạo cho công nhân từ 5-7 năm, chưa kể phải có nhân viên biết ngoại ngữ để làm ăn với đối tác nước ngoài.

"Ở góc độ doanh nghiệp thì thách thức nhiều hơn cơ hội, do vậy Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp về giá thuê đất, giá đất và thuế suất...," bà Hà kiến nghị.
Cần liên kết để tạo ra chuỗi cung ứng

Không thể phủ nhận việc hội nhập sâu với thế giới đã mở ra cơ hội về thị trường rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Chỉ tính nửa đầu năm 2015, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chiếm gần 70% trong tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, hiện nay trong chuỗi cung ứng dệt may ít đơn vị nào làm được tất cả các khâu từ sợi đến sản phẩm may, đặc biệt do phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu từ nước ngoài nên các doanh nghiệp 100% vốn trong nước khó hưởng lợi từ các hiệp định thương mại.

Chỉ ra những tồn tại này, theo ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may hàng năm đều từ 15-20% nhưng giá trị gia tăng còn rất ít.

Ông Dũng cho biết, có quá nửa nguyên phụ liệu đang phải nhập khẩu từ nước ngoài, chưa kể năng suất lao động thấp và khả năng tự thiết kế còn hạn chế nên các doanh nghiệp dệt may 100% vốn trong nước đang thua thiệt hơn so với ưu thế của các doanh nghiệp FDI.

"Chúng ta chưa có thị trường của mình và sản phẩm của mình, chủ yếu phụ thuộc vào nhà đặt hàng, đây là những bất cập của ngành dệt may Việt Nam và không cẩn thận chỉ có các doanh nghiệp FDI hưởng lợi từ các hiệp định thương mại," ông Dũng nói.

Trong chiến lược phát triển ngành Dệt may Việt Nam do Bộ Công Thương phê duyệt thì đến năm 2020, khả năng xuất khẩu sẽ đạt 35 tỷ USD và lên tới 60 tỷ USD vào năm 2030. Để đạt được con số trên theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc tập trung đầu tư cho vùng nguyên phụ liệu và công nghiệp phụ trợ có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam.

Thứ trưởng nhấn mạnh, đa phần doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa nên việc liên kết để tạo ra nguồn vốn lớn cũng như đổi mới năng lực quản lý và trình độ công nghệ sẽ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp đứng vững trước các đối thủ lớn.

"Khi doanh nghiệp liên kết với ngân hàng thì sức mạnh sẽ nâng lên rất nhiều, điều này sẽ tạo ra một hướng đi tích cực cũng như không vi phạm các qui định từ các cam kết quốc tế," ông Hải chốt lại


(Theo TTXVN)

Theo cohoigiaothuong.com.vn