Cơ hội giao thương - Trong lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước,“điểm yếu” chỉ có thể biến thành “điểm mạnh”, khi mà chúng ta thực sự thay đổi! Nhấn mạnh điều này, không ít quan điểm cho rằng: Thời điểm này không phải là lúc chúng ta kêu ca rằng có quá nhiều điểm yếu, mà cần phải làm sao để có thể biến những điểm yếu trở thành điểm mạnh cho tiến trình tái cơ cấu DNNN.




Việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị.

Chất lượng – vấn đề trọng yếu!
Khẳng định điều này giới chuyên gia cho rằng, cùng với sự quyết liệt trong tái cơ cấu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và nỗ lực hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong năm 2014 – 2015 đã có những bước chuyển rõ rệt về chất. Theo Báo cáo của Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ), lũy kế từ đầu 2015 đến tháng 12/2015, đã thoái được 9.924 tỷ đồng, thu về 15.004 tỷ đồng bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước so với những năm trước đã nhanh hơn, quyết liệt hơn. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả trên mặc dù đã đem lại nhiều tác động sâu sắc đến nền kinh tế Việt Nam song theo đánh giá là vẫn chưa được như kỳ vọng. Xét trên bình diện nhiều góc độ có thể thấy rõ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn nội tại của kinh tế trong nước đã tác động không nhỏ, gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới lộ trình tái cơ cấu DNNN. Trong khi, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lại chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn.
Đặc biệt, nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các DN về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu DN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa. Ngay cả đối với những đối tượng được sắp xếp, cổ phần hóa, hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Cho ý kiến về vấn đề trên, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, lộ trình tái cơ cấu DN nhà nước của chúng ta hiện nay vẫn chưa chạm đến vấn đề cốt lõi, đó là phải tính tới yếu tố chất lượng! Chung quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thời điểm này không phải là lúc chúng ta kêu ca rằng có quá nhiều điểm yếu, mà cần phải làm sao để có thể biến những điểm yếu trở thành điểm mạnh cho tiến trình tái cơ cấu DNNN. Nghĩa là, “điểm yếu” chỉ có thể biến thành “điểm mạnh”, khi mà nhận thức của chúng ta thực sự thay đổi!
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất
Bàn về giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2016, PGS.,TS. Trần Đình Thiên thẳng thắn nhìn nhận, việc đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN cần phải đi vào thực chất hơn, có như vậy mới có thể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất.
Phân tích của giới chuyên gia cho thấy, trong vấn đề cổ phần hóa DNNN có hai loại. Một là muốn hướng đến hiệu quả và mong đổi mới. Hai là vẫn muốn giữ thế độc quyền. Chính vì vậy, khi cổ phần hóa DNNN, điều mong mỏi vẫn là làm sao để đổi mới những DN độc quyền sau cổ phần hóa. Điều đó đòi hỏi sự quyết tâm lớn của Nhà nước.
Chính vì vậy, chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN hồi cuối năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo và triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN. Đồng tình với động thái “tiếp tục thoái vốn ngoài ngành, thoái vốn có lộ trình sao cho đạt hiệu quả cao nhất để không làm mất vốn Nhà nước”, nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư cho rằng, nếu để tỷ lệ cổ phần Nhà nước quá cao thì tỷ lệ cổ phần hóa thành công là rất thấp.
Thực tế, hiện nay khi đầu tư vào DNNN, các DN trong và ngoài nước đều kỳ vọng nắm giữ một lượng cổ phiếu đủ lớn để có quyền thay đổi quản trị đổi mới DN, tăng cao hiệu quả DN. Chính vì vậy, giới chuyên gia đề xuất các bộ, ngành địa phương cũng cần tiếp tục quyết liệt để hoàn thành công tác cổ phần hóa, thoái vốn đối với các đơn vị chưa hoàn thành theo kế hoạch năm 2015, xử lý nghiêm đối với lãnh đạo DN không thực hiện đúng hoặc thực hiện không có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN; Đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của DNNN…



GS.TS. Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương:
Với doanh nghiệp Nhà nước, việc đổi mới và cải cách khu vực DN này sẽ theo hướng xóa bỏ đại diện chủ sở hữu là các bộ và UBND các tỉnh/thành, thành lập một cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước … Tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả quá trình cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời nâng cao năng lực quản trị, tái cơ cấu tài chính doanh nghiệp.




P.V

Theo cohoigiaothuong.com.vn