Cơ hội giao thương - Dù ý kiến chung là công nghiệp thời trang Việt Nam vẫn còn non yếu, song các chuyên gia trong ngành dệt may vẫn tin rằng, còn nhiều cơ hội cho ngành này phát triển.




Các diễn giả thảo luận tại “Hội nghị Quốc tế về Công nghiệp Thời trang 2015: Định hướng Xây dựng và Phát triển”.

Dù ý kiến chung là công nghiệp thời trang Việt Nam vẫn còn non yếu, song các chuyên gia trong ngành dệt may vẫn tin rằng, còn nhiều cơ hội cho ngành này phát triển.
Chưa có ngành công nghiệp thời trang đúng nghĩa
Năm 2014 chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của ngành dệt may Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 24,5 tỷ USD, chỉ đứng sau dầu khí. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, ngành dệt may đã tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường từ Mỹ, EU và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Theo chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đã được phê duyệt, xuất khẩu dệt may Việt Nam đến năm 2020 sẽ đạt kim ngạch 36 – 38 tỷ USD, đến năm 2030 đạt 60 – 65 tỷ USD. Cùng đó, lao động sử dụng trong ngành này sẽ là 3,3 triệu lao động vào năm 2020 và 4,4 triệu lao động vào năm 2030. “Vì lẽ đó, dệt may là ngành hết sức quan trọng, góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Tuy vậy, thực trạng hiện nay là các sản phẩm dệt may Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới các thương hiệu nước ngoài. Trên thế giới, sản phẩm mang thương hiệu Việt còn trống vắng. Nghịch lý ở chỗ, tầm vóc phát triển của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam vẫn còn rất chậm, thiếu sự đồng bộ và mang tính chất tự phát thay vì được quy hoạch bài bản.
Dù thời trang Việt Nam có những bước tiến trong thời gian qua với việc hội nhập và nắm bắt các xu hướng nhanh và tốt, song theo nhà thiết kế Hà Linh Thư (chủ thương hiệu thời trang Pearl Hà), Việt Nam chưa có ngành công nghiệp thời trang. Khi các công ty may mặc chỉ là những nhà gia công bán buôn, và các nhà làm thời trang còn nhỏ lẻ, thì chắc chắn các quy trình thời trang vẫn đầy thủ công mà ít có được các công nghệ hiện đại. “Dù kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hàng năm, nhưng công nghiệp thời trang để tạo được dấu ấn như bán được sản phẩm với mẫu mã thiết kế và thương hiệu riêng, tạo nên được một nền thời trang đúng nghĩa thì vẫn còn một quãng đường dài”, bà Thư lập luận.
Đi tìm nguyên nhân?
Theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành dệt may, so với các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam sở hữu những yếu tố “thiên thời địa lợi” thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp thời trang. Đó là kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực gia công, lực lượng nhà thiết kế trẻ, duy trì mức tăng trưởng liên tục về lượng khách quốc tế hàng năm, ngành thủ công truyền thống lâu đời và bề dày văn hóa. Tuy nhiên, chính những yếu tố hoàn hảo trên vô hình trung đã trở thành con dao hai lưỡi kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang. Một mặt, tính chất của ngành công nghiệp gia công khiến cho hầu hết nguyên phụ liệu- nguồn cung của ngành công nghiệp thời trang- phụ thuộc vào nước ngoài. Ở khía cạnh khác, những định kiến về việc gìn giữ văn hóa đã kìm hãm sức sáng tạo của các nhà thiết kế. Mặt khác, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam thiếu sự đồng bộ, mang tính tự phát thay vì tuân theo những chiến lược phát triển được quy hoạch bài bản.
Ở những kinh đô thời trang hoa lệ như Mỹ, Italia, Pháp và Anh, ngành công nghiệp thời trang được coi là ngành công nghiệp phụ trợ thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác như du lịch, vận tải và xa hơn là văn hóa. Tại Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách chưa đánh giá hết tiềm năng của ngành công nghiệp thời trang mà vẫn theo cơ chế “mạnh ai nấy sống”. Kết quả của việc này là, thị trường thời trang Việt Nam bị quá tải bởi “ma trận” của những thương hiệu thời trang nhỏ lẻ. Mô hình này khó có thể gây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia đồng nhất, tiêu biểu đủ sức cạnh tranh với các thị trường thời trang mới nổi tại châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc hay gần hơn là Thái Lan, Singapore.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thanh Hương- Tổng Biên tập tạp chí F Fashion, thời trang Việt Nam chưa thực sự phát triển và chưa có nhiều khách hàng. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí, nhà thiết kế phải tự làm hết mọi việc. Và như vậy, “Các thương hiệu càng khó phát triển đúng đắn và lâu dài. Các bộ sưu tập cũng chỉ dừng lại ở việc bán số ít và phục vụ nhóm khách hàng nhỏ”, bà Hương phân tích.
Thúc đẩy phát triển công nghiệp thời trang Việt Nam
Tại “Hội nghị Quốc tế về Công nghiệp Thời trang 2015: Định hướng Xây dựng và Phát triển” do UBND TP. Hà Nội chỉ đạo, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, Trung tâm xúc tiến thương mại (HTPC) phối hợp tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền- Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 đã vô cùng tự hào khi chia sẻ, May 10 có công nghệ không thua bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Hơn thế, May 10 có khả năng may bộ veston trong vòng 12 giờ mà ngay cả ở Mỹ cũng chưa thể thực hiện được. Theo bà Huyền, ngành may đã quen với thách thức và cọ sát. Gia công cũng là bước đầu tất yếu của bất cứ quốc gia nào có ngành công nghiệp thời trang dệt may phát triển, ngay cả ở Hàn Quốc hay Singapore… cũng vậy. Vấn đề là, nếu có chiến lược đúng đắn thì thời gian gia công sẽ được rút ngắn lại. Những chính sách hợp lý và đúng hướng từ các nhà quản lý và hoạch định chính sách sẽ tạo cho ngành dệt may nói chung và công nghiệp thời trang Việt Nam nhiều cơ hội phát triển hơn nữa.
Công nghiệp thời trang sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt may. So với các ngành công nghiệp khác trong nước thì ngành công nghiệp thời trang Việt Nam còn khá non trẻ. Đóng góp ý kiến để phát triển ngành công nghiệp thời trang Việt Nam, nhà thiết kế Bùi Minh Trang (chủ thương hiệu thời trang Kelly Bùi) cho rằng, công nghiệp thời trang sẽ tiên phong đưa ra các xu hướng thời trang mang bản sắc dân tộc và định hướng tiêu dùng hàng Việt trong việc chọn lựa hàng may mặc và quan trọng hơn, sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt may, chấm dứt tình trạng gia công giá rẻ cho nước ngoài.
Công nghiệp thời trang là một trong những ngành công nghiệp sáng tạo. Trong hơn một thập niên qua, ngành công nghiệp này đã có những bước chuyển mình thực sự về cả chất và lượng. Việt Nam đã có những nhà thiết kế thời trang trong nước được công nhận ở các kinh đô thời trang thế giới như: Minh Hạnh, Công Trí, Đỗ Mạnh Cường, Lý Quý Khánh; nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam cũng đang gây ảnh hưởng mạnh mẽ ở thị trường trong nước như Eva de Eva, Ninomax… Đây cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của ngành thời trang Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, những thương hiệu thời trang có phong cách riêng, tạo được chỗ đứng trong thị trường thời trang nội địa vẫn còn ít ỏi chứ chưa nói đến thị trường quốc tế. Cùng với hàng loạt các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, đã tới lúc các DN cùng nhau nhìn lại, định vị nền công nghiệp thời trang Việt Nam trong bản đồ thế giới, để từ đó tìm ra hướng đi đúng đắn cho nền thời trang nước nhà.
Ông Lê Hồng Thăng- Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội:

Trong bối cảnh ngành công nghiệp thời trang Việt Nam còn non yếu, Hội nghị Quốc tế về Công nghiệp thời trang 2015 được tổ chức mang lại ý nghĩa to lớn về thực tiễn, giúp DN Thủ đô thấy rõ lợi ích của công nghiệp thời trang. Đây sẽ là bước khởi đầu có ý nghĩa quan trọng trong công tác xúc tiến thương mại của Hà Nội nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa ngành công nghiệp thời trang Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian tới.
Ngọc Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn