Cơ hội giao thương - Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, là công cụ giúp giảm thiếu rủi ro trong kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng.




Sản xuất hàng xuất khẩu tại Tổng công ty May 10.

Các giá trị của doanh nghiệp tạo ra từ các tài sản trí tuệ như: sáng chế, bí mật kinh doanh, bản quyền ngày càng được định giá cao hơn. Sở hữu trí tuệ (SHTT) đang là công cụ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN nói riêng cũng như của mỗi nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, việc sử dụng việc sử dụng, khai thác và định giá tài sản SHTT ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập.
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục SHTT- Trần Việt Thanh tại hội thảo “Sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức ngày 6/5/2016 tại Hà Nội.

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp trong ngành dệt may chưa thực sự nhận thức rõ vai trò sở hữu trí tuệ là một công cụ quan trọng giúp nâng cao năng lực canh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng còn chậm ban hành những cơ chế hỗ trợ như định giá, thương mại hóa loại tài sản này. Do đó cũng chưa đưa sở hữu trí tuệ trở thành ngành kinh tế thông dụng, có những đóng góp giá trị cao cho doanh nghiệp và của nền kinh tế - ông Trần Việt Thanh cho hay.

Theo thống kê của Cục SHTT, Tập đoàn Dệt may với 49 đơn vị thành viên thì mới chỉ có 30 doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu. Riêng về kiểu dáng và sáng chế trong lĩnh vực dệt may thì chưa có đăng ký nào được xác nhận.

Hội thảo “Sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Ông Nguyễn Sỹ Phương- Trưởng ban kỹ thuật công nghệ của Tập đoàn dệt may- cho biết, tính đến tháng 3/2016, Tập đoàn có 266 nhãn hiệu đã được đăng ký, tập trung vào: logo của đơn vị, sản phẩm may mặc. Tuy nhiên, DN mới chỉ tập trung đăng ký nhãn hiệu tại thị trường trong nước mà chưa quan tâm đến thị trường quốc tế, và đến nay, vẫn chưa có DN dệt may nào đăng ký nhãn hiệu của sợi và vải.

Ông Phương cho rằng, để hỗ trợ DN nói chung, DN dệt may nói riêng áp dụng công cụ SHTT để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thì cơ quan đăng ký cần rút ngắn thời gian chờ đăng ký nhãn hiệu; Nhà nước có chính sách hỗ trợ DN trong lĩnh vực SHTT; Có chế tài mạnh để xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái…

Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc sử dụng công cụ SHTT để nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Thân Đức Việt- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, ngay từ năm 1992, May 10 đã quan tâm và xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu đồng nhất từ biển hiệu, logo công ty, cách trưng bày hàng hóa, đến trang phục phong cách bán hàng. Đến nay, May 10 đã đăng ký bảo hộ quyền SHTT thương hiệu “May 10” và một số nhãn hiệu của công ty ở trong nước, và tại EU, Hoa Kỳ.

Không chỉ quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, May 10 còn áp dụng nhiều giải pháp để bảo vệ thương hiệu như áp dụng mã số mã vạch, sử dụng tem chống hàng giả và sợi chống hàng giả. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể tăng cường sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, theo ông Việt, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài; đồng thời, cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo ông Lê Ngọc Lâm- Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp có hiệu lực, muốn nâng cao năng lực sản xuất, giữ vững và mở rộng thị trường, thì một trong những công cụ quan trọng là sở hữu trí tuệ. Quản lý tốt chiến lược sở hữu trí tuệ sẽ giúp giảm đến mức tối thiểu rủi ro, xây dựng mối quan hệ kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành dệt may. Việc chậm đăng ký bảo hộ quyền SHTT sẽ có rủi ro cao trong kinh doanh khi bị làm giả, nhái hàng hóa, và rất khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp đầu tư bài bản đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ tài sản vô hình của mình.



Ông Lê Ngọc Lâm- Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ:

Sở hữu trí tuệ là công cụ hữu dụng để bảo vệ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp dệt may nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cả ở trong nước và nước ngoài. Khi đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại các nước sở tại, nếu sản phẩm bị xâm phạm, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hệ thống luật pháp của nước đó bảo vệ.



Liên Hoa

Theo cohoigiaothuong.com.vn

View more random threads: